Với mùa thu Hà Nội

Một người bạn tôi nhắn vào: Hà Nội đang thu, đẹp lắm anh ạ. Nhưng buồn...

Lại nhớ cuối thu năm ngoái, ra Hà Nội dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X. Chiều Đại hội xong “Quan họ về chúng em ra về”. Những vui buồn đan xen làm tôi cứ đi lang thang giữa Hà Nội “Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường” như lời hát của Phú Quang.

1-ha-noi-mua-thu-2-1631549178.jpg

Lên một xe taxi, người lái xe hỏi chú đi đâu. Bảo cứ đi. Biết Nhà hát Lớn không, cứ đi về hướng ấy. Nhà hát Lớn này ngày xưa mẹ vẫn hát ở đây. Xa khơi, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Gió mùa thu mẹ ru con ngủ… Về con phố nhỏ Lê Phụng Hiểu nơi tuổi thơ mình sống với ông bà, với mợ Loan yêu quý.

Đấy là khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu, năm xưa cũng có một cây bàng cuối thu đầu đông nhiều lá đỏ rụng. Lại ngay trước cửa nhà chị Mai Hương (tức nhà thơ Thảo Phương). Bất chợt rưng rung nghĩ về phận người nghệ sỹ. Nữ thi sỹ làm thơ đầy cảm xúc về mùa đông Hà Nội - Thảo Phương, người ca sỹ hát hay vào loại bậc nhất về mùa đông Hà Nội - Ngọc Tân, đều đã “đi về nơi xa lắm”. Còn người nhạc sỹ đã viết tuyệt vời về mùa đông Hà Nội, gợi ta nhớ một Khúc hát nàng Solveig của Grieg: “Mùa đông dù trôi qua/ Mang bóng dáng đông qua xuân về/ Và nỗi nhớ anh đi chưa về…” - Nhạc sỹ Phú Quang, buồn thay anh vẫn đang phải nặng nề nằm viện và phải thở bằng máy. Đã hai mùa thu rồi “Làm sao về được mùa đông/ Dòng sông đôi bờ cát trắng/ Làm sao về được mùa đông/ Để nghe chuông chiều xa vắng" với anh giờ đây như một thứ xa xỉ...

*

Tôi trở về số 1 Lê Phụng Hiểu, tìm lại ngôi nhà xưa ở với ông bà, tìm lại cây bàng lá đỏ và những quả chín vàng treo lơ lửng, thi thoảng ngọn gió thổi qua, quả lại rơi lộp độp.

Cây bàng ấy ngay trước cửa nhà chị Thảo Phương. Hồi nhỏ mỗi bận xuống chơi với Dũng bủng - em chị, lại thấy chị ngồi cần mẫn đập những trái bàng, lấy nhân của nó cho hai thằng em ăn. Ôi cái nhân bàng màu trắng bé xíu, mà thơm bùi vô cùng. Chị cứ cần mẫn đập bàng, thấy thằng em ngài ngại, chị đưa tận vào tay và giục “Em cứ ăn đi”.

Chiến tranh, sơ tán, mỗi người đi mỗi ngả. Bẵng đi nhiều năm, trong một lần lên Đà Lạt sau giải phóng, bất chợt tôi gặp chị. Thì hóa ra sau khi đi học Hung-ga-ry về, chị lên dạy ở trường Đại học Đà Lạt. Chị đã có chồng con và vẫn khẳng khiu như trước. Đà Lạt đầy sương, như heo heo gió mùa thu phía Bắc. Hai chị em ngồi nhấm nháp cà phê, với bao chuyện không dứt về Hà Nội, về khu nhà số 1 Lê Phụng Hiểu tuổi thơ. Rồi chị với một giọng nói như thơ, kể cho thằng em nghe về những mối tình đã qua. Mối tình nào cũng nồng nàn như thu Hà Nội chị nhỉ? - Thằng em ngơ ngác thốt lên…

Rồi một lần một người ca sỹ bạn thân của tôi là Ngọc Tân, rủ tôi đến Nhà hát Bến Thành xem show mới của anh, có bài hát Nỗi nhớ mùa đông mà anh nói da diết lắm, hát mà cứ trào nước mắt (Tân là người yêu mùa đông Hà Nội lắm. Tôi nhớ những đêm đi diễn về, chúng tôi hai tay xoa vào nhau đưa lên miệng bốc khói hít hà, khói bay mờ ảo trên mắt, rồi vào Nam Ngư ăn một bát phở nóng tương ớt cay xè như có cả mùa hè chói chang nơi đầu lưỡi. Tân bảo anh yêu nhất Hà Nội vì những đêm mùa đông ấy, dù tôi nói với Tân tôi yêu mùa thu Hà Nội hơn!).

“Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi" (nhạc Phú Quang, thơ Thảo Phương). Phải nói thật, đêm ấy Ngọc Tân hát hay lắm. Bao nhiêu dòng nước mắt lăn trên má những người con Hà Nội xa quê vào sinh sống đất phương Nam ngập tràn ánh nắng, mà như thấy càng yêu hơn Hà Nội, yêu cây bàng lá đỏ trước sân, yêu cơn gió lạnh rít qua khe cửa, yêu tất tần tật cả đất trời mùa đông Hà Nội. Thế mà tất cả đã xa, tất cả như đã bỏ mình đi mất, “Làm sao trở lại mùa đông/ Mùa thu cây cầu đã gẫy...”. Ôi Hà Nội, ta yêu như thể yêu em, thế mà em đã xa ta rồi, như cây cầu kia đã gẫy đổ, có thể nối nhịp lại hay chăng?

... Ngay sau khi bài hát dứt, nhiều người chạy lên sân khấu tặng hoa và ôm hôn Ngọc Tân. Chỉ có một người thiếu phụ ngồi hàng ghế đầu bất động, cứ ngồi ôm hoa trong tay, nước mắt thành vệt trên má. Cho khi đêm diễn tan, chị như mới bừng tỉnh, hốt hoảng chạy ra hàng lang đón Ngọc Tân và trao bó hoa muộn màng vào tay anh. “Chị Mai Hương” - Tôi thốt lên. Người thiếu phụ ấy chính là chị Mai Hương, người từng cùng tôi tuổi thơ ở khu nhà số 1 Lê Phụng Hiểu. “Sao lại chị Mai Hương? Ngọc Tân ngạc nhiên hỏi tôi - Đây là nhà thơ Thảo Phương, tác giả lời bài hát Nỗi nhớ mùa đông mà?”. Chị Mai Hương phân trần: “Mai Hương là tên gọi ngoài đời của em anh Tân ạ. Xin tặng anh bó hoa của em. Cảm ơn anh đã hát rất hay, rất xúc động". Một dòng nước mắt lại bỗng dào ra trên mắt chị. Ngọc Tân xúc động: “Lúc trên sân khấu, khi bạn bè tặng hoa, tôi đã nhìn quanh xem chị ngồi ở đâu để mang hoa xuống tặng chị. Nhưng thú thực do mắt tôi cận nặng quá, nên tôi không tìm thấy. Mong chị thứ lỗi”. Ngọc Tân nói với chị Mai Hương (Thảo Phương) đầy áy náy…

nha-tho-thao-phuong-1631549226.png

Nhà thơ Thảo Phương.

Bấy giờ tôi mới biết, chị Mai Hương, cô giáo Mai Hương khẳng khiu ngày xưa, bây giờ là nhà thơ, là tác giả phần lời bài hát rất xúc động Nỗi nhớ mùa đông mà bạn tôi vừa hát. Tôi nói với chị: “Khi nào chị tặng em một tập thơ của chị nhé”. Chị bảo tất nhiên rồi, chị in ba tập thơ rồi, và cuộc đời chị nay là của thơ ca rồi".

Một thời gian ngắn sau, chưa được nhận tập thơ chị tặng, tôi nghe tin chị đã mất, mới ngoài tuổi 50 đã mất. Thương hơn là chị phải ra đi với trái tim đơn côi. "Làm sao trở lại mùa đông/ Mùa thu cây cầu đã gẫy”. Những mối tình chị từng kể tôi nghe năm xưa, đều đã như những nhịp cầu gẫy đổ, để rồi mãi mãi là niềm tiếc thương, mãi mãi chị cứ phải tự an ủi mình: “Vờ như mùa đông đã về”…

ca-si-ngoc-tan-1631549226.png

Ca sĩ Ngoc Tân.

Ôi mùa đông Hà Nội… Nhớ những người con Hà Nội đã làm nên tuyệt tác Nỗi nhớ mùa đông giữa Sài Gòn. Phú Quang có lẽ không chịu được nỗi nhớ này, đã trở lại sống với mùa đông Hà Nội nhiều năm nay. Và không biết qua thu này, tới mùa đông kia, anh có tỉnh lại được hay chưa? Còn Ngọc Tân và chị Mai Hương - Thảo Phương thì đều đã “đi về nơi xa lắm…”.

Mùa đông sắp gần ngay trước mặt rồi. Rồi không biết mùa đông Hà Nội còn nhớ họ chăng? Không biết trên những cây bàng mùa này lá đỏ, có còn treo những chiếc loa công cộng, ngày trước vẫn thường văng vẳng tiếng hát Ngọc Tân: “Dường như ai đi ngang cửa /Gió mùa đông bắc se lòng /Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi".

Tất cả đã bỏ đi, kể cả cánh buồm xa ấy, kể cả người ca sỹ tuyệt vời của mùa đông Ngọc Tân, kể cả nhà thơ thân thiết của tôi là chị Thảo Phương...

Ôi hạnh phúc - Tiếng hát bạn nhắc ta về mùa đông, về hạnh phúc, như mang niềm khát khao vô bờ bến của con người, bởi thực sự cuộc đời này đã mấy ai hạnh phúc đâu?

“Nằm nghe xôn xao tiếng đời

Mà ngỡ ai đó nói cười

Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy

Giờ đây cũng bỏ ta đi

Làm sao về được mùa đông

Dòng sông đôi bờ cát trắng

Làm sao về được mùa đông

Để nghe chuông chiều xa vắng

Thôi đành ru lòng mình vậy

Vờ như mùa đông đã về...