Sự hồi sinh của phố ẩm thực

Sau một thời gian dài lao đao vì đại dịch Covid -19, kinh doanh ẩm thực đã  được hoạt động lại gần 1 tháng qua và hơn 1 tuần được phép cho thực khách ngồi lại dùng tại chỗ. Việc này phần nào giúp vực dậy sức sống của những con đường ăn uống, những phố ẩm thực sôi động bậc nhất của TP.HCM.
11-1636806709.png
Những con phố ẩm thực sáng đèn báo hiệu cho sự hồi sinh.

Để kinh doanh chung với dịch bệnh các tiểu thương xác định ngay từ đầu, họ phải thích ứng, nỗ lực hồi sinh, làm mới để kinh doanh với mong muốn thu hút lại nguồn khách hàng và khôi phục lại ngành kinh tế đêm.

12-1636806710.png
Khoảng 17h đoạn đường gần 200m của Hà Tôn Quyền (Quận 11) người mua và người bán bắt đầu tấp nập.

Từ sự hiu quanh sau nhiều tháng đóng cửa chống dịch, giờ đây con đường Hà Tôn Quyền tại quận 11 nổi danh là phố sủi cảo nổi tiếng nhất của TP đã hoạt động trở lại. Khung cảnh nhộn nhịp này, tuy không còn chen chút để có chỗ ngồi tốt hay phải xếp hàng dài để chờ đợi mua về, nhưng hầu hết các cửa hàng đã đông khách hơn so với trước kia. Đây là một tín hiệu khả quan.

Là một thực khách quen dù phải đi đoạn đường hơn 10km để đến thưởng thức lại món ăn yêu thích sau nhiều tháng, anh Trần Thanh Phương (Quận Gò Vấp) cho biết: “Mình ăn ở đây cũng lâu lắm rồi, cũng tầm 5-6 năm nay, khu vực này thì nó vắng hơn so với trước dịch, trước dịch thì nó đông đúc lắm”.

13-1636806710.png
Dù được ngồi lại, tuy nhiên thực khách chọn mua mang về cũng khá đông.

Chị Nguyễn Thị Hồng Loan – Chủ quán Sủi cảo Thiên Thiên với gần 20 năm kinh doanh tại đây cho rằng: “Số lượng khách đến khu phố này cũng đông, mình bán ít hơn so với trước đây vì nhiều khách còn biết là mình đã bán lại nữa, cho nên số lượng khách cũng vắng bớt, mất khoảng 10-15% khách. Ngồi lại thì khách mình cũng không để ý, tại vì khi khách vô ngồi là quán full bàn full ghế, nhà nào cũng vậy luôn, mua về thì cũng đứng đông như thế này”.

Trong khi đó con đường ẩm thực Vạn Kiếp của quận Bình Thạnh dù đã được phục vụ tại chỗ, nhưng phần lớn các hàng quán đều đã quen với việc đổi bán mang về và thực khách cũng chủ động đến mua đi. Để thích ứng, nhiều chủ quán ăn cũng nhanh chóng chuyển đổi thực đơn để phù hợp với tình hình hiện tại.

14-1636806710.png
Quán ăn thay đổi thực đơn để phù hợp với thị hiếu của thực khách.

“Lúc trước ở đây bán rất là đông, quán bán xiên que, nhưng khi dịch thì chị nghỉ. Sau này chị thấy mô hình bán mang về đông nên chị bán luôn, chị bán mẹt xong thấy bán được nên chị bán luôn trong mùa dịch này”, chị Nguyễn Thùy Linh– Chủ quán Ốc Đường phố chia sẻ.

Còn tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ, theo các tiểu thương lượng khách hàng giảm đến 40% so với trước dịch, việc duy trì kinh doanh nhằm giúp ổn định lại tình hình mua bán và chờ sự hồi sinh mạnh mẽ như trước đây.

15-1636806710.png
Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (Quận 10) lấy lại được sức sống khi nhiều tháng im lìm.

Vừa là đầu bếp vừa là chủ cửa hàng ăn uống khi đang tất bật chuẩn bị món ăn cho khách, anh Lê Minh Tiến vẫn cảm thấy không mệt vì đã nhiều tháng qua phải ở không, “bây giờ thì cũng đang ổn định lại từ từ, khách quen thì cũng có ghé, nhưng mà dịch này chưa có quay lại hết được, giống như bây giờ cũng đang từ từ quay lại.

“Bán 1 tuần đầu thì chậm lắm, bây giờ thì đỡ nhiều hơn rồi, khách ngồi tại chỗ hay mua mang đi cũng đã ổn định, dù không như trước đây nhưng cũng là động lực để mình duy trì”, chị Phan Thị Cẩm Tú chủ một cửa hàng ăn vặt tâm sự.

11-1636806709.png
Dù lượng khách không bằng thời điểm trước dịch bệnh, tuy nhiên các tiểu thương đã mở bán lại đến hơn 80%.

Ngồi cùng những người bạn thân sau nhiều tháng mới được ngồi ăn tại chỗ, chị Nguyễn Mai Ngân (Quận Bình Thạnh) cho biết: “Thấy hàng quán nhộn nhịp lại mình cũng khá là vui, bản thân mình dù cũng còn khá e dè khi ra chỗ đông người, tuy nhiên khi đến đây giúp mình xã stress, làm cho tâm trạng mình thoái mái lên rất nhiều sau nhiều tháng qua”.

Mức độ tăng trưởng lại dù chưa thực sự mạnh mẽ, nhưng ngành ẩm thực về đêm  vẫn còn một lượng khách hàng tiềm năng đó chính là khách du lịch. Tuy nhiên, dù đã hoạt động hơn 1 tháng qua nhưng tình hình vẫn chưa thực sự có nhiều chuyển biến mới.

“Nhiều người nước ngoài thích mô hình xiên que, ốc đồ kèm theo nên người nước ngoài rất là thích, khi mà bán lại ở đây thì từ 1 tây đến giờ cũng có lai rai khách nước ngoài”, chị Linh nói thêm.

Điểm chung của các hộ kinh doanh khi muốn giữ chân được lượng khách hàng cũ sau dịch bệnh đó là giữ nguyên giá bán. Dẫu sau dịch bệnh, một số nguyên liệu biến động mạnh về giá cả, nhưng họ vẫn chấp nhận lấy công làm lời.

17-1636806710.png
Du khách quốc tế cũng là một thị trường đáng mong đợi của các khu ẩm thực. 

Chị Loan cho biết: “Mình bán mình vẫn không lên giá khách mình vẫn bán giá bình thường, tại vì mình cũng hỗ trợ một phần dịch cho khách, chứ bây giờ dịch kinh tế rất khó khăn, mà mình bán mà mình nâng lên giá thành thì sợ sẽ có nhiều người ăn được, nhiều người ăn thì cũng ngán về giá cả”.

18-1636806709.png
Ngành kinh tế đêm được phục hồi sẽ giúp kinh tế Thành phố được cải thiện sau dịch bệnh.

Sự hồi sinh của các phố ẩm thực giúp cho ngành kinh tế đêm được kỳ vọng sẽ đóng góp một tỉ trọng lớn cho ngành du lịch TP.HCM trong giai đoạn hồi phục lại sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, ngoài sự cố gắng duy trì để phát triển, các hộ kinh doanh cần chung tay vừa thực hiện tốt vai trò của mình, vừa thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch để ánh đèn kinh tế này vẫn sẽ được thắp sáng mỗi đêm.

Ảnh: Linh Lê