Sử dụng trẻ em trong nghệ thuật - Kỳ 2: Cần phải có lằn ranh giới hạn!

Thế giới đã có những tác phẩm nghệ thuật dù sai phạm trong sử dụng lao động trẻ em nhưng vẫn đạt giải Oscar. Với những trường hợp này, xử lý thế nào? Tại Việt Nam, dù có những vi phạm trong sử dụng lao động là trẻ em nhưng sao vẫn chưa thể xử lý?

Nhiều người sẽ dùng lý lẽ: “Phải có tư duy thoáng hơn, phải táo thì nền nghệ thuật Việt Nam mới phát triển và theo kịp thế giới”.

Rõ ràng, không ai ngăn cấm sự sáng tạo trong nghệ thuật. Không ai o ép sự đổi mới trong cách thức thể hiện. Tuy nhiên, dù có ở Việt Nam hay quốc tế thì cũng phải đảm bảo tính duy mỹ trong chính sự phá cách đó. Đừng lấy lý lẽ phải đổi mới, phải táo bạo mà bao che cho sự dung tục, phản cảm thứ “nghệ thuật” ấy, mang đến sự khó chịu cho đối tượng tiếp nhận là khán giả. Một tác phẩm có giá trị hay không, không chỉ nằm ở góc nhìn chủ quan của tác giả, nó còn nằm ở lăng kính khách quan của khán giả. Chính khán giả là những vị giám khảo công tâm nhất.

pic-1-2-1621233742.jpg

Vai gái điếm từng khiến thế giới sửng sốt của Jodie Foster

Nếu nhìn ra thế giới, ngay cả những nền điện ảnh lớn như Mỹ hay các nước châu Âu, việc sử dụng diễn viên dưới 18 tuổi tham gia diễn xuất những cảnh quay nhạy cảm, không phù hợp lứa tuổi cũng bị công chúng nước nước sở tại lên án mạnh mẽ, cho dù có phim có giành nhiều giải thưởng quốc tế đi chăng nữa.

Trường hợp điển hình, nhờ bộ phim "Taxi Driver" mà diễn viên Jodie Foster từng nhận được một đề cử Oscar. Nhưng cũng chính bộ phim này gây ra sự tranh cãi lớn, khi cô được giao vai điểm khi mới 13 tuổi. 

Hay đạo diễn của phim "Leon" cũng từng bị khán giả tẩy chay vì để nữ diễn viên Natalie Portman trực tiếp thực hiện cảnh hút thuốc, uống rượu khi mới chỉ 11 tuổi.

Rõ ràng, ranh giới giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật rất mong manh. Lâu nay, việc sử dụng diễn viên nhí không phải bài toán dễ đối với bất cứ nền điện ảnh nào, kể cả ở Việt Nam hay cả những nước có nền điện ảnh phát triển, tư duy phóng khoáng.

Làm được điều này đòi hỏi các nhà sản xuất, để không còn tình trạng “ý tốt – cách làm tồi”, các đạo diễn phải thực sự có tài, có tâm, phải thận trọng, có đạo đức nghề nghiệp và quan trọng hơn nữa là đủ sự tinh tế. Bởi nếu không, tác phẩm nghệ thuật ấy dù có hay đến mấy, dù nhận được nhiều giải thưởng danh giá của giới phê bình thì nó cũng có thể bị công chúng quay lưng tẩy chay.

Phải KHẨN TRƯƠNG và NGHIÊM TÚC lấp lỗ hổng khi sử dụng lao động trẻ em trong nghệ thuật

Thứ nhất, tại sao nhiều vi phạm đến nay vẫn chưa bị “tuýt còi”?: Việc sử dụng trẻ em trong biểu diễn nghệ thuật ngày càng phổ biến thì những tình trạng “trá hình” nội dung không phù hợp cũng càng đa dạng. Khi nền công nghiệp giải trí tại Việt Nam tiệm cận dần với xu hướng ngành công nghiệp giải trí quốc tế, những vi phạm có vẻ càng tinh vi và công khai hơn. Những vi phạm về giờ làm việc, tình trạng sử dụng lao động trẻ em nhưng không ký hợp đồng lao động, hay những quy định cụ thể về mặt nội dung, hình ảnh thế nào là phù hợp đối với lao động dưới 15 tuổi,… thực tế việc phát hiện còn khó khăn và bỏ ngỏ nhiều, chứ chưa nói đến việc bị xử lý.

Thứ hai, cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn để làm căn cứ cho công tác quản lý: Với 3 trường hợp đã phân tích trong Kỳ 1, xét theo góc độ luật pháp thì đã có những sự sai phạm nhất định. “Việc nhà sản xuất phim “Vợ ba” cho bé Trà My trực tiếp đóng cảnh nóng ở tuổi 13 là vi phạm các điều trong mục 1, Chương XI của Luật Lao động" - Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Còn trường hợp những em nhỏ liên tục có những động tác nhảy được biên đạo khá người lớn, chưa kể trang phục hở rất bạo, nếu không muốn nói là lố bịch, hay em nhỏ trong bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu” có thể chưa dính luật nghiêm trọng như trường hợp của “Vợ ba” nhưng rõ ràng những phản cảm tạo ra cho dư luận là điều không thể phủ nhận.

1558401873-591-155840187118475-thumbnail-1621233851.jpg
Phim Vợ Ba

Tuy nhiên, để xử phạt một cách cụ thể thì chưa đủ, bởi chính những lỗ hổng trong quy định của luật pháp, chưa đủ chặt chẽ để làm căn cứ. Bởi đó người ta vẫn phải xử phạt nhau bằng sức ép dư luận.

Thứ ba, cần lên án và khắt khe hơn nữa với những sản phẩm vi phạm: Nếu không có môi trường để dung dưỡng, nếu không có sự đón nhận của khán giả, nếu ai cũng đủ kiến thức và chính kiến để lên án những vi phạm trong sử dụng lao động trẻ em, chắc chắn những hành vi đó sẽ không còn chốn dung thân.

Chúng ta ngày nay đã bội thực với những sản phẩm hài nhảm, nội dung xàm xí, những sản phẩm chất lượng kém. Nhưng chúng ta cũng chỉ dám phản ứng bằng cách lướt qua, xem nó như một phần tất yếu của không gian mạng. Những sản phẩm sử dụng lao động trẻ em không phù hợp cũng vậy. Và cho đến khi có sự răn đe của pháp luật, mỗi khán giả hãy là tòa án, khắt khe hơn nữa với nhu cầu giải trí của mình, sẵn sàng lên tiếng để thanh lọc một môi trường nghệ thuật thực sự vị nghệ thuật cho tất cả chúng ta.

Đừng biến trẻ em thành công cụ kiếm tiền bất chấp chỉ để thỏa mãn nhu cầu giải trí cho người lớn. Điều đó thực sự lố bịch và cần lên án gay gắt.

Sử dụng trẻ em trong nghệ thuật: Cần có giới hạn!