Sử dụng trẻ em trong nghệ thuật - Kỳ 1: Quá nhiều vấn đề gây tranh luận

Chúng ta có quy định cho nghệ sĩ biểu diễn với trang phục thế nào là phù hợp, không gây phản cảm. Chúng ta cũng có tiêu chuẩn cộng đồng cho nội dung tác phẩm đăng tải trên các trang mạng xã hội để tránh độc hại. Vậy chúng ta có gì để bảo vệ trẻ em trong sân chơi này, khi thực tế, ngày càng nhiều trẻ em tham gia nghệ thuật từ rất sớm?

Long Đẹp Trai và màn múa bụng của các em nhỏ trong clip triệu views

Dù đăng tải từ cuối năm 2020 với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tiểu phẩm hài “Khi thằng đại ca lên tiếng” trên Facebook Long Đẹp Trai đến nay vẫn nhận nhiều sự chú ý dù đã thu về hơn 76 nghìn lượt tương tác cùng hàng trăm bình luận.

Ngoài những ý kiến khen-chê về nội dung tiểu phẩm, nhiều người quan ngại về màn nhảy múa bụng của nhóm các em nhỏ trong clip. Cụ thể, xuất hiện từ phút 4:36 đến 7:24, đoạn nhảy hơn 3 phút của các em nhỏ có nhiều động tác lắc người. Máy quay cận vào nhiều bộ phận nhạy cảm của các em.

pic-2-1620892030.jpg
Các bé vô tư nhảy khoe bụng - Ảnh cắt từ clip
pic-3-1620892030.jpg
Không biết đây có phải sự hồn nhiên hay góp phần phá nát tuổi thơ - Ảnh cắt từ clip

Đáng nói hơn, phần trang phục của các em “thiếu vải” đến nóng mắt. Bé gái mặc trang phục bikini làm từ vỏ dừa, bé trai nude toàn bộ nửa trên, với hình vẽ trái tim rất kém duyên khiến nhiều khán giả bày tỏ sự không đồng tình.

Dẫu biết con trẻ biểu diễn với sự hồn nhiên vô tư nhưng chính điều đó khiến khán giả thêm chê trách phía nhà sản xuất khi lựa chọn cho các em hình ảnh như vậy lên sân khấu. Rất nhiều người để lại bình luận phản đối ngay dưới clip.

pic-5-1620892152.jpg
Rất nhiều bình luận bày tỏ sự thiếu tinh tế với màn nhảy của tiết mục - Ảnh chụp màn hình
pic-4-1620892152.png
Thái độ đóng góp văn minh, lịch sự khiến ta thấy đây hoàn toàn là những đóng góp công tâm, xuất phát từ cảm nhận vị trí một khán giả, mang tính xây dựng chứ không hề cố ý đào bới để làm xấu danh tiếng của Long Đẹp Trai. - Ảnh chụp màn hình

Long Đẹp Trai là nghệ danh của danh hài Vũ Văn Long, sinh năm 1976. Anh là Giám đốc Nụ Cười Mới với rất nhiều tác phẩm hài được yêu thích. Không chỉ quen mắt công chúng với những vai diễn trên sân khấu kịch, Long Đẹp Trai còn được biết đến với nhiều bộ phim hài tết như: Năm sau con lại về, Cô Thắm về làng...  Sự nổi tiếng khiến các sản phẩm của anh luôn thu hút sự quan tâm của một lượng công chúng đông đảo.

Diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nóng 

Dù nhận được những giải thưởng quốc tế nhưng bộ phim “Vợ ba” gắn mác 18+ của Công ty TNHH Ba Sắc Cầu Vồng đã buộc phải dừng công chiếu tại Việt Nam năm 2019 chỉ sau 3 ngày chiếu rạp bởi phản ứng gay gắt của dư luận. Công chúng phản ứng gay gắt về việc đoàn làm phim đã sử dụng diễn viên Trà My (khi đóng phim còn chưa đủ 13 tuổi) tham gia nhiều cảnh quay da thịt, trực tiếp thể hiện tình cảm với người lớn.

phim-vo-ba-2-1620892275.jpg
Diễn viên 13 tuổi trực tiếp đóng cảnh nóng - Ảnh tư liệu

Không phải vô cớ mà phim vấp phải những phản ứng, chỉ trích gay gắt từ công chúng như vậy, nhất là khi trẻ em luôn là đối tượng được cả xã hội dành sự ưu tiên, quan tâm và bảo vệ.

Nhà văn Trang Hạ đã thẳng thắn nói về những cảnh quay không phù hợp với diễn viên 13 tuổi trong phim thế này: “...Tôi không phản đối bộ phim, nhưng tôi phản đối cách lựa chọn diễn viên của đạo diễn. Tại sao không phải là một diễn viên đóng thế cho những cảnh nhạy cảm?”.

Đồng quan điểm, nhà văn Tâm Phan nhấn mạnh, việc để một bé gái diễn “cảnh nóng” trong phim xét về mặt đạo đức là sai, cho dù có thể đoàn làm phim đã có hợp đồng làm việc và đã có sự chấp thuận từ gia đình diễn viên.

Với con mắt nhà nghề, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng bày tỏ: "Những bộ phim độc lập thường muốn tạo cảm xúc chân thực nhất, mãnh liệt nhất, có thể vì lý do đó, họ đã chọn cô bé 13 tuổi. Đây là quyết định làm phim của đạo diễn. Nhưng nếu là tôi, tôi sẽ dùng diễn viên đóng thế...".

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), nói: “Theo quy định, người dưới 13 tuổi được phép tham gia một số công việc đặc biệt trong hoạt động nghệ thuật. Lẽ ra những “cảnh nóng” này phải sử dụng diễn viên đóng thế, nhưng nhà sản xuất và đạo diễn lại sử dụng diễn viên chưa thành niên đóng những cảnh trần trụi, phản cảm, phi nghệ thuật”. Theo ông Nam, đây là vụ việc nghiêm trọng, cho thấy những “lỗ hổng” trong các quy định về sử dụng lao động trẻ em. Tuy nhiên, vụ việc chưa xử lý được theo các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, sử dụng người chưa thành niên dưới 15 tuổi làm việc.

Đến bộ ảnh nhân văn nhưng vấp phải tranh cãi gay gắt về sự thiếu tế nhị

Trước 2 trường hợp trên, một trung tâm hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em đã thực hiện bộ ảnh với tên gọi “Những đứa trẻ mang bầu”. Mục đích của bộ ảnh thì rất nhân văn: Nâng cao nhận thức cộng đồng về nạn xâm hại tình dục trẻ em. Thế nhưng đáng tiếc, việc sử dụng hình ảnh những bé gái ở độ tuổi chỉ từ 8 đến 12 tuổi, được chụp cận cảnh với biểu cảm gương mặt sợ hãi, tay ôm bụng bầu nhanh chóng đã khiến ekip này đối mặt với phản ứng gay gắt từ đông đảo người xem. Điều đáng chê nhất đó là tất cả mẫu nhí nữ trong bộ ảnh không được che mặt.

pic-7-1620892378.jpg
Thực tế trong bộ ảnh, những mẫu nhí không được che mặt - Ảnh tư liệu

Nhiều ý kiến quan ngại và lo lắng vì không thấy "vị nghệ thuật", chỉ thấy sự thiếu tế nhị, thậm chí gây tổn hại đến trẻ em và thông điệp thì chưa đủ mạnh, thậm chí kích thích động cơ làm chuyện xấu.

Thế đấy, thông điệp nhân văn xã hội chưa thấy đâu, bộ ảnh đã gây ra phản ứng ngược với những tác hại mà chính nhóm thực hiện không lường được trước. 

Có thể thấy, sân chơi nghệ thuật ngày càng muôn hình muôn vẻ. Với sự trợ giúp của nền tảng mạng xã hội, ai cũng có thể dễ dàng dấn thân. Sự phát phiển muôn phương ngàn hướng ấy khiến chúng ta cần những quy định để kiểm soát nó, càng khẩn thiết hơn khi đối tượng tham gia là trẻ em.

Những trường hợp nêu trên khiến chúng ta cần thiết phải đặt ra nhiều câu hỏi về việc sử dụng trẻ em, hình ảnh của trẻ em trong các sản phẩm nghệ thuật như thế nào cho hợp lý, không phạm luật, không ảnh hưởng đến sự phát triển cả tâm lý, sức khỏe và hình ảnh phù hợp với đối tượng trẻ nhỏ?

Thế giới đã có những tác phẩm nghệ thuật dù sai phạm trong sử dụng diễn viên nhí nhưng vẫn đạt giải thưởng Oscar. Với trường hợp đó phải xử lý ra sao? Làm thế nào để lấp được lỗ hổng trong sử dụng lao động trẻ em tại Việt Nam? Mời quý độc giả đi tìm lời giải trong Kỳ 2 Sử dụng trẻ em trong nghệ thuật.

Pháp luật quy định trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc và bảo vệ; nghiêm cấm việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em. Trẻ em được bảo vệ hình ảnh, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân về thư tín, viễn thông và các hình thức trao đổi, lưu giữ thông tin cá nhân. Khi bố mẹ đăng tải hình ảnh của trẻ lên mạng xã hội cũng cần có sự đồng ý của trẻ.

Một trong các hành vi bị nghiêm cấm được nêu tại Điều 6 Luật Trẻ em 2016 là “Công bố, Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”. Quy định “trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên” là quy định tương tự trong Luật Hôn nhân và Gia đình, theo đó, trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên được xem là đã có thể tự đưa ra quyết định, nguyện vọng của cá nhân trong các vụ việc có liên quan. Vì vậy, đối với hình ảnh của trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên, khi bố mẹ muốn đăng tải hình ảnh con mình lên mạng xã hội thì cần có sự đồng ý của trẻ.

Bên cạnh đó, theo điều 35 Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em thì cá nhân, tổ chức khi đưa hình ảnh, thông tin của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên đồng thời có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ.

Trích bài viết: "Một số vấn đề pháp lý cần lưu ý khi đăng tải, sử dụng hình ảnh của trẻ em trên mạng xã hội" đăng tải vào 13/09/2020 của Tạp chí Luật sư Việt Nam