Nhu cầu tiêu dùng của người dân TP.HCM “chững lại” sau đại dịch Covid 19

Đại dịch Covid-19 đi qua kéo theo sự khủng hoảng về kinh tế. Minh chứng cho điều đó chính là thị trường mua sắm, tiêu dùng “giậm chân tại chỗ”. Đặc biệt, so với năm 2020 thì những tháng cuối năm 2021 lượng người mua sắm đã giảm mạnh không phanh.

1-1638173148.jpg
Sự ế ẩm về lượng khách hàng ở các cửa hàng sau dịch

Sự e dè của người dân khi mua sắm sau dịch

Thị trường mua sắm cuối năm luôn là thị trường sôi động và mong chờ nhất của cả tiểu thương lẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19 mà lượng mua của người dùng có phần nào chững lại hơn với trước đây

Những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu hàng ngày ở các cửa hàng truyền thống tiêu thụ khá chậm. Lượng khách còn hạn chế bởi đa phần lượng khách tỉnh đã về quê và hiện nay chưa thể đổ dồn về các chợ ở thành phố. Bên cạnh đó, nguồn cung cũng khó khăn hơn với trước nên giá cả cũng bị đẩy lên cao hơn.

2-1638173150.jpg
Dù mở bán lại sau dịch nhưng hầu như không có khách ghé qua mua hàng

Giá bán tăng cao làm cho người tiêu dùng khá e dè khi lựa chọn mua hàng. Điều này khiến cho các chủ cửa hàng ở những chợ lớn truyền thống điêu đứng.

Chị Nguyễn Lê Nhã Uyên chủ cửa hàng giày dép Nhật Tân ở chợ An Đông (Quận 5) cho rằng: “Mỗi năm mọi người đều cần mua sắm, cứ tới tết thì mình chạy hàng rất là nhiều nhưng mà năm nay mọi người đều phải gói ghém vì hiện tại rất là khó khăn. Với lại bây giờ mọi người cũng không ai dám mở cửa. Khách hàng thì cũng không lên và xe chạy bây giờ cũng rất là khó khi mà mình vẫn chuyển hàng hóa về tận tỉnh thì phải chịu cước phí rất là cao nên nhu cầu khách hàng càng thấp đi nhiều.”

Sức mua của người dùng chưa thể phục hồi ngay khi người dân còn gặp khá nhiều khó khăn sau đại dịch. Đây sẽ là bài toán đầy thách thức đối với các nhà kinh doanh khi phải làm sao vừa duy trì được hợp đồng mua bán vừa thu hút được người tiêu dùng.

“Lượng hàng shop tôi xuất ra chỉ bằng 1/3 so với trước dịch. Để kết cầu cho vấn đề nhập hàng cho cuối năm thì bây giờ chúng tôi đang tìm những sản phẩm mới nhất, giá cả phù hợp nhất bởi vì bây giờ mình nhập những mặt hàng tốt thì cũng rất là khó. Vấn đề nữa là những xưởng sản xuất giày, nhà cung cấp giày thì công nhân không có lên kịp nên lượng giày mà mình lấy về rất là khó khăn khi không đủ hàng và giá rất đắt vì nguyên liệu tăng khá nhanh sau dịch”, chủ cửa hàng giày dép Thanh Nhàn ở chợ An Đông (Quận 5), ông Phan Doãn Nam chia sẻ.

Sử dụng các chiến lược bán hàng để giữ chân khách hàng

Cùng với sự tăng giá đến chóng mặt của ẩm thực thì tiêu dùng cũng từng bước nâng giá vì nguồn nguyên liệu lên giá mạnh. Để có thể giữ khách hàng cho mình, người bán thường cố giữ giá bán ổn định và có thêm khuyến mãi dù họ phải chịu nhiều tổn thất.

3-1638173150.jpg
Để có thể bán được hàng các chủ cửa hàng phải bình ổn giá bán các sản phẩm của mình

Chị Lý Tố Anh, chủ cửa hàng túi xách Tấn Phát ở chợ An Đông ( Quận 5) tâm sự mình đã tăng cường các chương trình khuyến mãi để giữ lại lượng  khách quen: “Khuyến mãi thì mùa này mình cũng khó khăn nhưng mà mình phải chấp nhận chương trình như vậy để thu hút khách.”

So với các cửa hàng truyền thống thì các trung tâm thương mại cũng không khả quan hơn là mấy. Để duy trì được lượng khách ổn định, các trung tâm thương mại phải phối hợp với các nhãn hàng, thương hiệu trong và ngoài nước để triển khai những chương trình khuyến mãi đồng loạt.

4-1638173149.jpg
Các trung tâm thương mại cũng có lượng bán hàng ít hơn so với trước đây

Chị Tất Kim Phụng của cửa hàng thời trang Sandro ở Diamond Plaza (Quận 1) cho biết: “Về phần mua sắm sau đại dịch, chúng tôi cũng đưa ra rất nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn tại cửa hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang khẩn trương hoàn thiện 1 trang web điện tử để các sản phẩm được đưa đến người dùng một cách nhanh nhất.”

Để tăng doanh số bán hàng mùa dịch nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho khách hàng thì mua sắm online trên các trang web của cửa hàng là một hướng đi đúng đắn ở hiện tại. Nhu cầu truy cập online để mua hàng đang dần trở nên thiết yếu của người tiêu dùng.  Sự kết hợp giữa những ưu đãi hấp dẫn cùng các trang thương mại điện tử nhanh gọn sẽ là bước đi khôn ngoan để thúc đẩy nhu cầu mua sắm của khách hàng sau đại dịch.

Song song với các chương trình khuyến mãi, một số cửa hàng còn dần dần thay đổi các sản phẩm cũ bằng các sản phẩm mới với giá thành rẻ hơn, mới mẻ hơn và phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại để thu hút tiềm lực mua hàng của người dùng. Đây có lẽ là hướng đi tốt nhất để doanh số bán hàng được tăng hơn vào những dịp cuối năm.

Chị Nguyễn Ngọc Phương Anh, nhân viên của cửa hàng thể thao Nike ở Diamond Plaza (Quận 1) chia sẻ: “Về phía cửa hàng thì tụi mình luôn hướng đến những sản phẩm mới, trưng bày các sản phẩm mới để tạo ra các không gian thoải mái mới mẻ và thân thiện nhất cho khách hàng. Còn có những chương trình khuyến mãi để kích thích sức mua của khách hàng hơn  như vào những dịp cuối năm như thế này.”

Để chuẩn bị đón khách trong vài tháng cuối cùng của năm 2021, các cửa hàng sắp tới sẽ đầu tư hơn vào những chương trình khuyến mãi, giảm giá để giúp người tiêu dùng tận dụng cơ hội mua sắm hiệu quả nhất.  Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt thì chính là thời điểm phù hợp nhất dành cho khách hàng mua sắm hàng hóa tiêu dùng chuẩn bị cho dịp lễ tết, đặc biệt như các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm,...

5-1638173149.jpg
Các mặt hàng thời trang, mỹ phẫm,... sẽ thu hút khách hàng tiềm năng vào các dịp cuối năm

Điều đó có nghĩa là thị trường bán lẻ sẽ có cơ hội trở mình để quay lại đường đua phát triển ổn định như thời kì trước dịch.

Ảnh: Linh Lê

Linh Lê

Link nội dung: https://www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn/nhu-cau-tieu-dung-cua-nguoi-dan-tphcm-chung-lai-sau-dai-dich-covid-19-593810.html