NSND Bạch Tuyết - Dấu ấn một tài hoa

NSND-TS Bạch Tuyết năm nay đã bước qua tuổi 76 nhưng nếu có dịp trò chuyện với bà vẫn nhận ra sự an nhiên tĩnh tại. Ở tuổi đó, bà vẫn lên mạng xã hội chia sẻ những tâm tình về đời, về nghề thậm chí “cover” (hát lại) một số ca khúc hit của các ca sĩ trẻ với nền cổ nhạc: "Lạc trôi" của Sơn Tùng M-TP, "Em gái mưa" của Hương Tràm... Tất cả đã toát lên tâm hồn NSNS.TS Bạch Tuyết vẫn còn rất trẻ.

1.

NSND-TS Bạch Tuyết sinh năm 1945 tại Khánh Bình (Châu Đốc - An Giang). Từ thuở còn đi học đã bộc lộ năng khiếu ca, ngâm. Nhưng mẹ mất khi Bạch Tuyết mới 8 tuổi khiến cô buồn vô cùng. Sau đó, cha đi bước nữa, người mẹ kế chỉ lo cho con riêng. Vì buồn chán nên năm 14 tuổi, Bạch Tuyết bắt đầu theo đám con trai tập tành… đua xe. Gia đình bên nội có truyền thống hiếu học, vì thế mà sợ Tuyết hư nên gửi vào học trường nội trú. Ở đó, cứ đến giờ các thầy và sơ đều kêu Bạch Tuyết đứng lên bục ngâm thơ cho cả lớp nghe…

bach-tuyet-1619800324.jpg NSND-TS Bạch Tuyết hóa thân thành Thái hậu Dương Vân Nga

Như nhiều bạn bè cùng trang lứa, Bạch Tuyết rất hâm mộ nghệ sĩ Thanh Nga. Mỗi khi có dịp Bạch Tuyết thường chui vào hậu trường để xem và xin chữ ký của nghệ sĩ Thanh Nga. Một lần nghệ sĩ Thanh Nga hỏi có muốn đi hát không? Rồi khi nghe qua giọng Bạch Tuyết, nghệ sĩ Thanh Nga nhận xét rằng Bạch Tuyết rất có khiếu hát cải lương. Chính lời khích lệ đó là một trong những động lực đưa Bạch Tuyết đến với nghiệp hát. Nhưng con đường đến với nghề của NSND Bạch Tuyết còn nhiều chông gai, áp lực.

Áp lực lớn lại đến từ phía… gia đình. Khi Bạch Tuyết muốn đi theo gánh hát, người cha không đồng ý. Ngay cả khi soạn giả nổi tiếng Điêu Huyền đến gặp cha của Bạch Tuyết để xin cho cô đi theo đoàn hát nhưng khi đó, gia đình không muốn cho con gái theo vì cho rằng đi hát là “xướng ca vô loài”. Nhưng bởi Bạch Tuyết rất muốn nên người cha đành phải chiều theo ý con. Khi đi hát, Bạch Tuyết được soạn giả Điêu Huyền nhận làm con nuôi, cho nhập đoàn Kiên Giang. Đây là một bước đệm quan trọng trên con đường vào nghề của Bạch Tuyết.

Năm 1961, đoàn Kiên Giang diễn vở “Lá thắm chỉ hồng”, cô đào chính tới trễ, khiến Bạch Tuyết bất ngờ được giao vai cô lái đò Lệ Chi, diễn xuất của Bạch Tuyết khiến khán giả hết sức ngạc nhiên. Sau đó là những vở “Kiếp chồng chung”, “Suối mơ rền áo cưới”… Sau đó, Bạch Tuyết được nghệ sĩ Út Trà Ôn mời về đoàn Thống Nhất. Và với vở “Tiếng hát Muồng Tênh”, tên tuổi bà bắt đầu nổi.

Cá tính từ bé, nên trong những đoạn đời của NSND Bạch Tuyết, luôn có những quyết định không ngờ. Những quyết định ấy, cho bà rẽ vào những lối nhỏ đầy kỳ thú. Tỉ như khi đang tạo được tiếng vang với những vai diễn ở Đoàn Thống Nhất, thì Bạch Tuyết nghỉ để ôn thi Tú tài. Sau này, bà cũng nhiều lần đang hát thì nghỉ ngang như thế, để đi học.

Cuối năm 1962, nghệ sĩ Bạch Tuyết gia nhập đoàn Bạch Vân. Năm 1963, Bạch Tuyết được trao huy chương vàng triển vọng Giải Thanh Tâm qua vai người vợ trong "Tàn một kiếp hoa". Năm 1964, Bạch Tuyết về Đoàn Dạ Lý Hương, do ông bầu Xuân thành lập, chính từ sân khấu này với sự cộng tác của hai soạn giả sáng chói Hà Triều - Hoa Phượng, nhiều vở diễn đã gắn liền với tên tuổi Bạch Tuyết cho đến hôm nay, trong đó vở “Nỗi buồn con gái” (tức Tần Nương Thất) đã đem về cho Bạch Tuyết giải thưởng: Huy chương vàng Diễn viên xuất sắc giải Thanh Tâm năm 1965.

Tới năm 1966, Hùng Cường gia nhập đoàn Dạ Lý Hương, cùng với Bạch Tuyết tạo thành cặp đôi hoàn hảo trong mắt khán giả. Bà ở lại đoàn Dạ Lý Hương thêm 2 năm nữa.

Sau năm 1968, Bạch Tuyết ngừng hát một thời gian. Đến năm 1971, cùng với Hùng Cường, mở gánh hát Hùng Cường - Bạch Tuyết (sau này đổi thành Đoàn ca kịch Bạch Tuyết), diễn các vở kinh điển như: “Trăng thề vườn Thúy”, “Má hồng phận bạc”, “Cung thương sầu nguyệt hạ”. Gánh hát này được rất nhiều người hâm mộ, tuy nhiên do không biết cách quản lý, sau một thời gian đã ngưng hoạt động. Sau đó bà chuyển sang học Luật.

Ở tuổi 40 tuổi, nghệ sĩ Bạch Tuyết lại khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định bước vào giảng đường đại học. Mấy năm sau, bà có được bằng Cử nhân Ngữ văn. Năm 1988, Bạch Tuyết được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, cũng năm này bà tốt nghiệp khoa Đạo diễn ở Viện hàn lâm Sân khấu và Điện ảnh tại Sofia - Bulgaria.

Năm 1995, bà bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài “Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á”, trở thành tiến sĩ nghệ thuật cải lương đầu tiên của Việt Nam. Năm 2012, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

2.

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng NSND Bạch Tuyết vẫn sống lạc quan, giữ được nét trẻ trung, thần thái an nhiên. Hiện bà sống ở quận 9, TP.HCM. Hàng ngày, bà tự tay chăm sóc từng loại cây trái, hoa kiểng để thư giãn và tìm niềm an vui bên Phật pháp. Bà chia sẻ: “Tôi luôn giữ tinh thần sống lạc quan, yêu đời, yêu người để tinh thần trẻ trung. Cách nhìn cuộc sống của tôi là: biết ơn nhiều hơn là trách móc và tự thân đi lên. Bởi vì đời sống này là lẽ vô thường, có những chuyện mình không thể tự quyết được. Thôi thì còn sống ngày nào hay dâng hiến cho đời ngày ấy…”

Sống trong tinh thần lạc quan và bằng lòng dâng hiến, nên dù con cháu đang sống ở Mỹ, bà vẫn có nhiều cách để tìm vui cho mình. Bởi bà muốn sống trên quê hương, mỗi ngày làm việc, chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ yêu nghệ thuật dân tộc và gặp gỡ với những người bạn mới, những mảnh đời khó khăn để đưa bàn tay nắm lấy họ. Và đến khi chết, cũng được nằm xuống trên chính quê hương mình. Tôi xúc động khi thấy bà chia sẻ: "Tôi là nghệ sĩ của dân tộc. Tôi muốn sống và qua đời như một người hát cải lương của Việt Nam".

Gần đây, NSND Bạch Tuyết sáng tác các tác phẩm sân khấu để tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19. Điều ấy cho thấy trái tim bà luôn rung động trước những vấn đề của thời cuộc, dù về tuổi, đã có thể yên tâm ngơi nghỉ an dưỡng tuổi già. Bởi bà luôn thích làm cái mới. Mặc dù bà cũng rất ý thức rằng, mới chưa chắc hay nhưng dù sao cũng phải mới cái đã.

“Nghệ thuật với tôi phải đổi mới, ngay chính từ cải lương cũng đã bao hàm nghĩa trong đó. Tôi nghĩ đổi mới có thể hay hoặc chưa hay nhưng nếu vì ngần ngại, e sợ mà không làm câu trả lời là sẽ không bao giờ hay. Hơn nữa tôi luôn tin rằng cải lương luôn có những cách làm mới mình để tìm đến khán giả”, bà nói. “Dù bước vào tuổi xưa nay hiếm, tôi vẫn thích tìm kiếm cái mới trong nghệ thuật trên thế giới để nắm bắt, để lắng nghe..., từ đó có sự phản biện bằng chính bộ môn nghệ thuật của dân tộc".

NSND-TS Bạch Tuyết còn để lại dấu ấn của mình khi là nữ nghệ sĩ cải lương đầu tiên xuất hiện trên sân khấu thể nghiệm với vai trò độc diễn trong vở: "Diễn kịch một mình", "Hoàng hậu của hai vua" của tác giả Lê Duy Hạnh. Soạn giả Hoa Phượng đã đặt cho bà biệt danh "Cải lương chi bảo" - có nghĩa bảo vật của nghệ thuật ca kịch cải lương Việt Nam.

Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật số 17/2021