Những tiếng hát tầm cao

NSND Trung Kiên sinh ngày 5/11/1939. Cha ông là một chiến sỹ cách mạng tầm cỡ Xứ ủy Bắc Kỳ những năm Đảng còn buổi “trứng nước” vô cùng gian nan. Trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, người con duy nhất của người chiến sỹ cách mạng ấy - NSND Trung Kiên có lẽ là người ca sỹ thành công bậc nhất, độc nhất vô nhị, nhiều năm sau cũng khó có một người thứ hai.

Trước hết, với giọng hát nam cao sang trọng, khỏe khoắn, ông là một trong những giọng hát hàng đầu suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hàng chục năm đã trôi qua, nhưng trong lòng nhiều thế hệ, còn vang vọng mãi tiếng hát sang trọng, hào hùng, càng những nốt cao càng sáng đẹp, và đặc biệt rất dạt dào cảm xúc của ông, qua những khúc hát, như Tình ca ( Hoàng Việt), Bài ca Trường Sơn, Chào sông Mã anh hùng, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Đất nước trọn niềm vui…

Là thế hệ ca sỹ đầu tiên của nước nhà được đào tạo cơ bản tại nhạc viện nước ngoài theo dòng nhạc bác học, cổ điển, với vốn tri thức nghệ thuật và thanh nhạc phong phú, lại nhiệt tình trong công tác giảng dạy, ông là người thầy đầu đàn, người truyền lửa cho nhiều thế hệ ca sỹ cho đến hơi thở cuối cùng, góp phần tạo dựng nên những giọng hát đương đại hay nhất của chúng ta: Lê Dung, Quang Thọ, Đăng Dương, Quốc Hưng, Lan Anh, Mai Tuyết, Tân Nhàn, Trần Hồng Nhung… và nhiều tiến sỹ, thạc sỹ âm nhạc.

trung-kien-1635144234.jpg

Cố NSND Trung Kiên.

Và con người thứ ba trong ông, là "nhà" lãnh đạo, quản lý xuất sắc. Năm 1992, ông là ca sỹ đầu tiên của nước ta được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa, phu trách nghệ thuật nước nhà, mà nói theo ngôn ngữ nhà binh, là vị Tư lệnh nghệ thuật của nước nhà. Với sự kiện này, lịch sử nước Nam ta lần đầu có một ca sỹ làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa.

*

NSND Quốc Hưng đến với dòng nhạc bác học bằng một con đường khác, buổi đầu chỉ với một ước mong khiêm tốn: Ước mong cách tân và làm hay hơn lối hát chèo truyền thống, với việc tiếp thu và áp dụng lối hát hiện đại (kỹ thuật thanh nhạc Phương Tây).

quoc-hung-1634392624.jpg NSND Quốc Hưng.

Xuất phát của anh là một diễn viên chèo. Nhà báo Đào Dục Tú quê ở Đông Anh kể: Cậu ấy ở làng quê anh chú ạ. Sống cũng mộc mạc chân quê lắm. Ngày ngày vẫn đạp xe ra Hà nội biểu diễn chèo ở Đoàn Chèo Hà Nội. Có nhiều đêm khuya mưa gió, nhìn qua cửa sổ thấy chú ấy đi diễn về đạp xe qua, khoác cái áo mưa trong sấm chớp đì đùng…

Thế rồi có một buổi tối anh đến Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, tìm vào lớp học của nghệ sỹ Quý Dương xin thọ giáo, chỉ với mong ước tiếp thu lối hát hiện đại để hát chèo hay hơn thôi. Nghe giọng anh, người thầy, người ca sỹ bậc nhất lúc ấy giật mình, chao ôi, một giọng hát vàng, một giọng bass quý giá quá, cả triệu người may ra có một.Vậy là ngay lập tức nghệ sỹ Quý Dương động viên anh đi học nghiêm túc ở Nhạc viện, và viết ngay một lá thư cho cô giáo Chủ nhiêm khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) bấy giờ là Diệu Thúy (Phu nhân ông Vũ Quang - Nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn) để giới thiệu. Ngay sáng hôm sau - buổi tuyển sinh cuối cùng của Nhạc viện, “giọng hát vàng” này đến thi. Sáng ấy cũng lại mưa tầm tã, anh ướt lướt thướt vào thi tuyển. Chỉ mới cất giọng lên, ông thầy Trần Hiếu đứng phắt dậy: “Người kế tục của tôi là đây rồi”, và nhận ngay cậu thí sinh ấy làm học trò của mình.

- Ngày ấy tôi nghèo lắm - Quốc Hưng sau này tâm sự - đã có lúc do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi định bỏ học giữa chừng để làm công việc khác kiếm sống. Thế là thầy Trần Hiếu nhiều lần thuyết phục bằng được tôi trở lại trường, theo đuổi âm nhạc.

Sau 10 năm ròng rã trên giảng đường, qua trung cấp, đại học… rồi tiếp đó là những tháng năm sau đại học, làm tiến sỹ, Quốc Hưng dần bước lên đỉnh cao của nghệ thuật thanh nhạc, của tri thức âm nhạc. Anh được giữ lại trường làm công tác giảng dạy: ba công việc song hành trong con người anh: Người thầy giảng dạy, người trò tiếp tục nghiêm túc học sau đại học, người nghệ sỹ biểu diễn. Điều rất đáng biểu dương là, cả ba công việc này anh đều hoàn thành xuất sắc, đều rất hoàn hảo, dù mỗi ngày cũng chỉ có 24 giờ. Là người thầy, anh đào tạo được nhiều trò giỏi, nhiều ca sỹ xuất sắc, và được tín nhiệm trao cho vị trí thầy Trung Kiên từng đảm nhận năm xưa, để rồi từ đây bước sang con đường quản lý: Trưởng khoa Thanh nhạc. Là người trò cần mẫn, nghiêm túc, anh hòan thành chương trình sau đại học, chàng diễn viên chèo năm xưa chuyên đóng các vai kíp hai cho NSND Quốc Chiêm trở thành một tiến sỹ âm nhạc của dòng nhạc bác học, cổ điển . Và con người thứ ba là nghệ sỹ biểu diễn, anh cũng xuất sắc với nhiều vai diễn trong các nhạc kịch lớn của thế giới (nhạc kịch Viên đạn thần của Weber), của nước nhà (vai Lý Công Uẩn trong vở thanh xướng kịch Hoa Lư - Thăng Long). Anh từng được Giải nhất opera (năm 2000), Cúp bạc tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế Bình Nhưỡng (năm 2000), Cúp vàng - Liên hoan Âm nhạc quốc tế Bình Nhưỡng (năm 2004)… Năm 2019, nghệ sỹ Quốc Hưng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân.

*

Những dòng viết này của tôi bắt đầu vào một sáng gần đây, khi tôi được tặng những album của Quốc Hưng. Bởi trái tim người lính luôn đập trong lồng ngực mình, tôi đã nghe say sưa anh hát Tôi đã nghe Tổ quốc gọi tên mình, Sông Lô chiều cuối năm, Mối tình đầu…

Bỗng nhớ đến thế tuổi 17 với ba lô sau lưng và khẩu súng cầm tay, hành quân trên Trường Sơn, bất chợt ở một lưng đèo được nghe Bài ca Trường Sơn do nghệ sỹ Trung Kiên hát, vọng lên từ chiếc đài oriotong của chính trị viên đại đội: "Trường Sơn ơi! Trên đường ta qua không một dấu chân người./ Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác"… Xúc cảm chứa chan và như uống từng lời hát. Lại một đêm kia trên đỉnh Phunokcok nước bạn Lào, được nghe Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn với tiếng hát Trung Kiên: "Trường Sơn, mây núi bao la, lối quân đi bước mòn sỏi đá/ Trường sơn, hai nước chúng ta đã ghi tạc nghĩa tình từ xưa"... Tuyệt vời! Như không thể có một tiếng hát nào hay hơn, bay bổng hơn, như không thể có một bài ca nào về người Tình nguyện quân hay hơn. Tôi chợt hiểu tiếng hát Trung Kiên, người mà từ tuổi ấu thơ tôi đã từng được gần gũi, từng được nghe hát trong khu văn công Cầu Giấy của mẹ tôi, giờ đây với người lính chúng tôi trên đường ra trận, là tiếng hát hay nhất, tuyệt vời nhất, thôi thúc nhất trong lòng chúng tôi như tiếng kèn xung trận, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, như chắp cho những người lính chúng tôi những đôi cánh vượt qua mọi đạn bom và khó khăn hiểm nguy. Ông thật sự là một người nghệ sỹ lớn, là một trong những ca sỹ hàng đầu của cuộc kháng chiến. Tiếng hát ông mang hơi thở, mang tầm cao của thời đại, là chính tiếng hát của thời đại. Ông lớn lao là vậy…

Và giờ đây là những thế hệ kế tiếp ông, Những Tiến sỹ - Nghệ sỹ: Quốc Hưng, Tân Nhàn, Phương Nga.

Và giờ đây, chúng ta đang tiến tới kỷ niệm ngày sinh lần thứ 83 của cố NSND Trung Kiên - Một nghệ sỹ lớn, một trái tim lớn!