Giải mã những cơn 'mưa máu' khiến nhân loại rùng mình, nghi liên quan đến người ngoài hành tinh

An Nhiên
Ban đầu, những cơn "mưa máu" khiến người ta nghĩ rằng chúng liên quan đến một thế lực nào đó bên ngoài Trái đất.

Kể từ năm 1896, các báo cáo về những cơn mưa màu đỏ ở các khu vực của Kerala và Sri Lanka đã xuất hiện. Lần gần đây nhất xảy ra hiện tượng này là vào năm 2013 tại Kerala.

Khi ấy, ngay cả quần áo phơi dưới mưa cũng bị nhuộm đỏ rực, khiến người ta liên tưởng tới máu. Rất nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cho sự xuất hiện của những cơn "mưa máu" kỳ lạ này, trong đó có một số giả thuyết không hợp lý, chẳng hạn như một câu thần chú hay liên quan đến người ngoài hành tinh. Thậm chí, vào năm 2012, tờ Huffington Post còn đưa tin mưa máu là do sự sống của người ngoài hành tinh gây ra.

Cơn mưa máu từng khiến người dân Ấn Độ hoang mang.
Cơn mưa máu từng khiến người dân Ấn Độ hoang mang.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Phylogenetics and Evolution Biology vào năm 2021, sự xuất hiện của bào tử vi tảo lục châu Âu Trentepohlia annulata đã tạo ra màu đỏ trong mưa. Trentepohlia annulata trước đây chỉ được báo cáo ở Áo, một quốc gia tại Trung Âu.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng "mưa máu" chỉ là một phương pháp mà loài tảo này sử dụng để phân tán các bào tử của nó (tương tự như hạt thực vật) trên diện rộng cùng lúc. Điều này sẽ cho phép tảo xâm chiếm khu vực rộng lớn một cách nhanh chóng. Nghiên cứu cho thấy chuỗi DNA của loài tảo từ Kerala và từ Áo khá giống nhau. Chúng tiến hóa chậm, ngụ ý rằng loài tảo này đến từ châu Âu cách đó không lâu.

Thực tế, nước mưa có màu đỏ vì nó mang theo bào tử của một loại tảo.
Thực tế, nước mưa có màu đỏ vì nó mang theo bào tử của một loại tảo.

Tiến sĩ Felix Bast thuộc Đại học Trung tâm Punjab cho biết: “Cuộc điều tra đã xác nhận khả năng những đám mây trên đại dương đưa chúng (tế bào tảo) vào. Đây là một cơ chế phát tán các loài xuyên lục địa, trước đây từng được ghi nhận với vi khuẩn và nấm nhưng đây là lần đầu tiên ghi nhận xảy ra ở tảo".

Các đám mây phân tán trên các đại dương tương tự như những chuyến bay xuyên lục địa. Bào tử của loài tảo này từ châu Âu được chuyển  tới Ấn Độ thông qua những đám mây trôi trên biển Ả Rập.

Nhưng nếu các bào tử di chuyển qua biển Ả Rập đến Kerala và Sri Lanka, tại sao "mưa máu" lại không xảy ra ở những nơi như Gujarat và Madhya Pradesh?

"Chúng tôi không có bất cứ bằng chứng nào cho khái niệm "mây trên đại dương" này, nhưng khả năng rất cao đây là cách mà các bào tử Trentepohlia được vận chuyển", tiến sĩ Bast trả lời phỏng vấn. Mặc dù không rõ những đám mây ở tầng bình lưu thấp này đến Kerala bằng cách nào nhưng tuyến đường bay từ Áo đến Kerala sẽ không đi qua các bang như Gujarat hay MP. Nguyên nhân cũng có thể liên quan đến gió mùa vì Kerala là bang đầu tiên mà gió mùa Tây Nam từ Sri Lanka tới.

Theo Tiến sĩ Bast, "mưa máu" hoàn toàn vô hại và con người có thể uống được nước này, kể cả người ăn chay. Ngoài những cơn mưa màu đỏ, chúng ta còn có thể chứng kiến mưa có màu vàng, xanh lá cây, đen. Cách giải thích về màu mưa bất thường này chính là nước mưa có các bào tử tảo, bụi và một số hóa chất gây ô nhiễm hòa tan.

(Theo weeklyrecess)

>> Xem thêm: 'Cơn mưa thịt' gây chấn động nước Mỹ đã có lời giải thích hợp lý