'Cha đẻ' định nghĩa 'Nhà báo là người thất nghiệp, ăn bám' chính thức lên tiếng

Bảo Trâm
Định nghĩa về "nhà báo" sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội những ngày qua đã khiến dư luận không khỏi tranh cãi.

Thời gian qua, cộng đồng mạng xôn xao về cuốn từ điển "Từ ngữ Nam Bộ" do TS Huỳnh Công Tín biên soạn (được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2007). Trong đó, nhiều người tỏ ra bất ngờ, thậm chí khó hiểu với cách giải nghĩa và dẫn liệu về "nhà báo".

'Cha đẻ' định nghĩa 'Nhà báo là người thất nghiệp, ăn bám' chính thức lên tiếng
"Cha đẻ" định nghĩa "Nhà báo là người thất nghiệp, ăn bám" chính thức lên tiếng

Cụ thể trong cuốn từ điển này, "nhào báo" được diễn giải "là những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình". Qua đó, tác giả còn đưa ra ví dụ cụ thể: "Ra trường rồi ở nhà làm nhà báo chớ có làm được gì đâu".

Trước thông tin này đã tạo nên làn sóng tranh cãi gay gắt. Ngay sau đó, chủ nhân của định nghĩa này đã phải lên tiếng trên Người Lao Động rằng ông vô cùng bất ngờ khi mọi người lại quan tâm đến cuốn từ điển của ông, vì sách đã được xuất bản từ lâu.

Theo như TS Tín, đây là từ điển về từ ngữ Nam Bộ dùng trong lời nói của người dân Nam Bộ chứ không phải từ ngữ trong từ điển Tiếng Việt phổ thông. Trong chú giải có để (nb) tức "nghĩa bóng", nên từ "nhà báo" không phải chỉ những người đi làm báo mà nói về những người thất nghiệp.

"Khi học ra trường hay bị hỏi làm nghề gì thì người Nam Bộ hay nói vui "làm nhà báo", ý nói "tôi còn thất nghiệp, ăn bám gia đình, chưa có công ăn việc làm, còn phụ thuộc vào người khác", chứ không phải "nhà báo" chỉ những người làm nghiệp vụ báo chí. Những người thắc mắc họ không hiểu và không đặt trong ngữ cảnh nào hết. Muốn hiểu kỹ thì nên đọc lời dẫn của quyển từ điển này", TS Huỳnh Công Tín lý giải. 

'Cha đẻ' định nghĩa 'Nhà báo là người thất nghiệp, ăn bám' chính thức lên tiếng
Cuốn từ điển đang gây tranh cãi

Trên Tri thức trực tuyến, ông Tín cũng cho biết thêm rằng cuốn từ điển này không dẫn liệu theo kiểu lấy một phát ngôn toàn dân, rồi thay thế một từ nào đó bằng một từ ngữ Nam Bộ. Vì vậy trong dẫn liệu có thể có yếu tố lệch chuẩn  nhưng có lại đúng chuẩn đối với người Nam Bộ.

"Người vùng miền khác khi nghe định nghĩa này có thể bất ngờ, nhưng với người miền Nam, từ nhà báo được dùng theo nghĩa bóng rất phổ biến", TS Tín nói thêm. 

Được biết TS Huỳnh Công Tín hiện đang là nguyên giảng viên bộ môn Ngữ văn ở Đại học Cần Thơ, hiệu trưởng Đại học Võ Trường Toản, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Sau thời gian dài tìm hiểu về văn hóa Nam Bộ, ông Tín đã cho ra mắt cuốn sách Từ điển Từ ngữ Nam Bộ dày 1.392 trang, có khoảng 20.000 từ. Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 2007 (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội) và tái bản năm 2009 (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia).

Cuốn từ điển này ra đời nhằm giải thích ngữ nghĩa và dẫn liệu từ lời nói của người Nam bộ trong cuộc sống. Ngoài ra, tác giả còn trích dẫn thêm các tác phẩm văn học của các nhà biên khảo, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng để đưa vào cuốn từ điển.