Măng Đen – KonTum: Thiên đường sinh thái níu chân du khách

Được mệnh danh là "Đà Lạt thứ hai" ở Tây Nguyên, huyện Kon Plông nằm trên Quốc lộ 24 nối tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Trung Bộ, phía đông giáp tỉnh Quảng Ngãi; phía tây giáp huyện Tu Mơ Rông; phía tây nam giáp huyện Kon Rẫy; phía nam giáp huyện KBang, tỉnh Gia Lai; phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam.

Phát huy tiềm năng

Măng Đen là thiên đường sinh thái ở một thị trấn thuộc huyện KonPlông, tỉnh Kon Tum nằm ở độ cao trung bình 1.000m - 1.500m so với mực nước biển. Vùng này có khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm giao động từ 16-220C, độ ẩm trung bình 82-84%, có rừng nguyên sinh bao bọc xung quanh với độ che phủ hơn 80% diện tích tự nhiên; có nhiều hồ thác như: (Đăk Ke, Pa sỹ, Lô Ba), hồ (Toong Đam, Toong Zơri, Toong Pô)…, suối đá và cảnh quan thiên nhiên, đây là tiềm năng thuận lợi để phát triển trở thành trung tâm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cấp quốc gia; có nhiều hệ động vật, thực vật quý hiếm sinh sống; thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với nghiên cứu khoa học.

image1-11-1619077481.jpg
Thác nước Pa Sỹ -  một trong ba ngọn thác lớn của vùng đất Măng Đen.

Văn hóa các dân tộc với môi trường sống nơi đây còn lưu giữ được nét sinh hoạt, văn hóa truyền thống bản địa (chủ yếu là người dân tộc Xê đăng, Mơ Nâm, Ka Dong, Hre) chiếm trên 80 % dân số toàn huyện với nhiều nét văn hoá đặc trưng với những nhạc cụ dân gian lâu đời như: đàn, nhị, sáo dọc, trống, chiêng, cồng, tì và, ống gõ, giàn ống hoạt động nhờ sức nước; trang phục bản địa của người Xê Đăng, Mơ Nâm, Ka Dong, Hrê; văn hóa kiến trúc nhà rông, nhà dài... Câu chuyện quây quần dưới mái nhà Rông, đắm mình trong men rượu cần, bồi hồi trong tiếng hát thiếu nữ vùng cao, hứng khởi với tiếng cồng chiêng trầm bổng, bộc trực mà cứng cỏi như con người Tây Nguyên là tiềm năng rất lớn để khai thác tạo thành các điểm du lịch cộng đồng mang đậm nét đặc sắc bản địa núi rừng Măng Đen.

image4-5-1619077488.jpg
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring.

Do khí hậu ôn hòa nên ở đây có khá nhiều hệ động thực vật sinh sống. Hoa nở bốn mùa, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Có ba hồ bảy núi nên nơi đây được ví như thiên đường sinh thái - Nàng thơ của Kon Tum. Đến Măng Đen bạn sẽ được chiêm ngưỡng những thung lũng và những rừng thông bạt ngàn, mang những nét trầm buồn lãng mạn. Nghỉ ngơi trong những căn nhà rông truyền thống của đồng đào dân tộc thiểu số, tìm hiểu đời sống văn hóa sinh hoạt của họ. Sự vắng vẻ, hoang sơ và những cảnh vật thiên nhiên đầy mộng mơ sẽ là điểm nổi bật thu hút bạn đến nơi này.

unnamed-1619077488.jpg
Săn mây đồi thông Măng Đen.

Phát triển du lịch bền vững

Với những tiềm năng về sinh thái, tự nhiên, lịch sử văn hóa và vị trí quan trong được thiên nhiên ưu ái. Những năm qua, huyện Kon Plông xác định du lịch sinh thái bền vững kết hợp với các hình thức du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, thể thao và dã ngoại, du lịch tìm hiểu quy trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... nên đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi (cải cách thủ tục hành chính, cho thuê đất, ưu đãi về giảm, miễn thuế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng...) cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đã mang tính đột phá trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Nhờ đó, hiện nay khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen đã thu hút được gần 100 dự án đăng ký với tổng diện tích gần 6 nghìn ha và tổng vốn dăng ký đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng. Huyện đã xây dựng 4 công trình du lịch sinh thái tại hồ Đắk Ke, khu thương mại  - du lịch Hoàng Vũ, thác Pa Sỹ, hồ Đăm Bi gắn với 2 công trình du lịch tâm linh là chùa Khánh Lâm và Tượng Đức Mẹ Măng Đen, 2 công trình du lịch cộng đồng là Làng văn hóa – Du lịch cộng đồng Kon Pring tại thị thấn Măng Đen và Làng văn hóa – Du lịch cộng đồng Vi ô Lắc tại xã Pờ Ê. Những công trình du lịch này đã góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mơ Nâm.

image2-7-1619077488.jpg
Khu câu cá giải trí hồ Dam Bri.

Đến Măng Đen những năm gần đây, du khách còn được trực tiếp tham quan, trải nghiệm với các vườn hoa, cây, trái, rau đầy hấp dẫn tại các nhà vườn công nghệ cao. Chiêm ngưỡng loài hoa phượng tím, dã quỳ khoe sắc khắp các hồ, thác hoang sơ; Trải nghiệm dịch vụ homestay, khu du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số... Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều sự kiện văn hóa – du lịch như: Tuần Văn hóa - Du lịch Măng Đen, Kon Plông thường niên, Liên hoan đàn - hát dân ca khu vực Tây Nguyên thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan tạo doanh thu cho các hoạt động du lịch đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kon Plông. 

Với sự ưu ái của thiên nhiên và sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch của huyện Kon Plông khởi sắc, thu hút hàng chục nghìn người đến thăm quan, nghỉ dưỡng mỗi năm. Năm 2019, số lượng khách du lịch đến Măng Đen đạt 220.600 lượt, trong đó khách du lịch nội địa là 214.950 lượt, khách du lịch quốc tế là 5.650 lượt. Công suất sử dụng phòng tại các điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú khoảng 70%; doanh thu đạt hơn 50 tỷ đồng. Hiện nay huyện Kon Plông có 39 cơ sở lưu trú là các khách sạn, nhà nghỉ, làng du lịch, biệt thự du lịch, homestay với 462 phòng . Trong đó có nhiều cơ sở chất lượng tốt như: resort Đăk Ke, khách sạn T&T, Hoa Sim, Cát Tường, Đồi Thông…  

Đến với Kon Plông những ngày cuối tuần, nhìn thấy lượng du khách đổ về đông đúc, nhộn nhịp, chúng tôi càng thêm tin tưởng vào hướng đi đúng đắn của huyện Kon Plông trong phát triển các mô hình du lịch bền vững, xứng đáng với kỳ vọng xây dựng Măng Đen - Kon Plông thành một trong 46 khu du lịch quốc gia của cả nước.