Livestream trên mạng xã hội: Những vấn đề cần quan tâm

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số cá nhân livestream có số lượng người theo dõi rất lớn, xung quanh việc đi làm từ thiện, quảng cáo các loại thực phẩm chức năng, khám chữa bệnh.... không đúng với thực tế, gây bức xúc trong dư luận.

Mạng xã hội với khả năng kết nối, lan tỏa thông tin nhanh, rộng khắp, vì vậy đã và đang trở thành kênh giao tiếp thông dụng với nhiều người, nhất là đối với giới trẻ. Nắm bắt được lợi thế này, một số người đã đưa lên những kênh Youtube, Facebook... các video có những thông tin sai sự thật, nội dung phản cảm, những phát ngôn bừa bãi, miệt thị, khiếm nhã... nhằm thu hút được nhiều lượt người yêu thích, theo dõi, bình luận, chia sẻ, để mang lại lợi ích kinh tế cho cá nhân mà bất chấp những hệ lụy đối với người xem, đi ngược các chuẩn mực văn hóa. Từ đó, dễ dẫn đến sự lệch lạc trong nhận thức và hành động, cổ vũ lối sống bạo lực, ảnh hưởng đến anh ninh trật tự xã hội.

img-e64792-1624102267.JPG

Đối với trường hợp livestream trên mạng xã hội của bà N.P.H thu hút được sự quan tâm của nhiều người, vì đã chỉ ra được việc không chữa được bệnh của ông Y. cùng những ẩn khuất, bất cập, không công khai minh bạch về số tiền từ thiện, về quảng cáo thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng... vượt quá sự thật, gây bức xúc trong cộng đồng xã hội. Trước sự bức xúc của dư luận, một số nghệ sĩ đã thừa nhận việc quảng cáo không đúng và công khai xin lỗi công chúng.

Theo đạo diễn Nguyễn Đức Long, việc ông Y. không chữa được bệnh đã quá rõ, nhờ bà N.P.H. mà công chúng mới thấy được mặt trái của những lời quảng cáo có cánh và nhiều nạn nhân vì nhẹ dạ cả tin đã phải gánh chịu hậu quả, “tiền mất tật mang”. Đạo diễn Long rất bức xúc và đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc sớm làm rõ, nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Xung quanh việc livestream của bà N.P.H., một số người cũng không đồng tình trong cách phát ngôn, khi bà N.P.H. có lời lẽ chưa tôn trọng nghệ sĩ, xưng hô chưa chuẩn mực... cũng cần phải rút kinh nghiệm, cẩn trọng hơn để tạo môi trường văn hóa giao tiếp thân thiện, cởi mở.

Nhằm chấn chỉnh và xử lý tình trạng bất ổn trên môi trường mạng, thiết nghĩ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng, để mọi người hiểu các điều cấm liên quan văn hóa ứng xử trên môi trường mạng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, phát hiện kịp thời và xử lý các vi phạm, để tạo môi trường lành mạnh trên mạng xã hội.

Mới đây, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Trong đó, nhấn mạnh cá nhân, tổ chức không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép... Dư luận người dân hy vọng với các biện pháp tích cực, kịp thời của các cơ quan chức năng, sẽ nâng cao ý thức của người sử dụng, góp phần thay đổi cách hành xử của mọi người trên mạng xã hội.