Hoa hậu, điệp viên Thu Trang (Công Thị Nghĩa)

Thu Trang - hoa hậu Sài Gòn đầu tiên, nữ điệp viên, nữ ký giả, nhà thơ, họa sỹ và là nữ Tiến sĩ Sử học, bà từng là thành viên Đoàn Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp, nguyên Tổng Thư ký Hội Khoa học xã hội của Hội Người Việt Nam tại Pháp, tên đầy đủ của bà là Công Thị Nghĩa.

Tổ tiên bà Công Thị Nghĩa là Ông Nghĩa Đạt, làm quan dưới triều Lê Thánh Tông (1460 - 1497), đỗ Bảng nhãn khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức, đời Lê Thánh Tông (1475), làm quan đến Phó Đô Ngự sử, được cử đi xứ sang nhà Minh. Bảng nhãn Ông Nghĩa Đạt còn có công chiêu dân khai hoang, mở rộng làng ra khu vực giáp Quán La, thuộc thôn Quán La, phường Xuân La, quận Tây Hồ (Hà Nội) hiện nay, Ông được dân làng thờ ở đình Quán La và hiện có bia trong Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Con cháu về sau có đến 9 người đỗ Hương cống, Cử nhân. Thời Tự Đức (1848 - 1883), vua ra chiếu đổi họ Ông thành họ Công.

Công Thị Nghĩa sinh năm 1932 tại làng Ngọc Hà, Hà Nội trong một gia đình tiểu tư sản. Cha là công chức chính quyền thuộc địa, mẹ ở nhà làm nội trợ, dưới bà còn có hai người em, một trai và một gái. Thuở nhỏ bà đã tỏ ra là một cô bé thông minh, ham học và có tính tự lập, nên cha bà gửi bà vào học trường phổ thông công lập Pháp - Việt, bà học rất giỏi, đặc biệt là tiếng Pháp. Bà học hết lớp Sơ Đẳng và thi được bằng Sơ Học Yếu Lược.

Năm 1942, khi bà Nghĩa tròn 10 tuổi, cha được điều động vào Sài Gòn làm việc, cả gia đình bồng bế nhau theo ông vào miền Nam và định cư ở Sài Gòn. Sau khi gia đình ổn định nơi ăn chốn ở, cha bà lại được làm việc tại Sài Gòn, nên bà được học hành như bao thiếu nữ con công chức cùng trang lứa, điều khác biệt bà là một cô bé thông minh, xinh đẹp sắc nước hương trời: Làn da trắng mịn, khuôn mặt thanh tú với đôi lông mày cong vút, mắt buồn, môi mọng và sống mũi thẳng tắp với cốt cách của một quý cô Hà Nội giữa lòng bạn bè Sài Gòn.

Bà được dự tuyển lên bậc Cao đẳng tiểu học. Rồi học hệ chính quy theo chương trình đào tạo riêng của Pháp nên bà đã đọc thông viết thạo tiếng Pháp. Sau đó bà học thêm tiếng Anh, và bắt đầu làm việc như là một ký giả, dưới nhiều bút danh: Thu Trang, Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu...

Cuộc sống gia đình đang bình an thì mẹ bà bị bệnh hiểm nghèo, đột ngột qua đời. Nhưng may mắn là Công Thị Nghĩa sống tự lập từ bé nên bà đã không quản ngại vật lộn với cuộc sống mưu sinh để vừa đi học, vừa có tiền phụ giúp cha nuôi các em ăn học, trưởng thành.

thu-trang-1-1631260804.jpg Thu Trang (Công Thị Nghĩa)

NHÀ BÁO VÀ ĐIỆP VIÊN

Thu Trang hoạt động trong phong trào Học sinh - sinh viên Sài Gòn ngay từ hồi mới 15 tuổi, nhưng hăng say và sôi nổi nhất phải nói đến những năm 1949 - 1950, khi phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên các đô thị diễn ra liên tục, rầm rộ và rộng khắp, nhất là ở Sài Gòn - Gia Định, đây là thành phần quan trọng trong tầng lớp trí thức tiểu tư sản. Ngay từ khi phong trào ra đời, họ đã có những đóng góp xuất sắc trong phong trào giải phóng dân tộc.

Tại Sài Gòn – Gia Định, trung tâm đầu não và là Thủ đô của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, phong trào yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ, nổi bật là phong trào của học sinh, sinh viên. Hòa mình vào phong trào chung của quần chúng nhân dân, họ đã thể hiện vai trò vừa là “ngòi pháo” vừa là lực lượng “chủ công” trong các phong trào đấu tranh, nhất là đấu tranh chính trị ở đô thị. Chính bộ phận này, với nhiều hình thức đấu tranh đa dạng, sáng tạo và linh hoạt đã trở thành lực lượng xung kích trong việc gây rối loạn nội bộ chính quyền Sài Gòn và từng bước làm thất bại âm mưu của Mỹ trong cuộc chiến tranh chia cắt đất nước ở Việt Nam lâu dài.

Ở tuổi 18, Thu Trang có mặt trong các cuộc biểu tình tranh đấu đòi quyền lợi cho học sinh, sinh viên. Vào ngày 9/1/1950, ở Sài Gòn đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn của hơn 6.000 học sinh, sinh viên và giáo viên các trường, yêu cầu Thủ tướng Trần Văn Hữu thả ngay những học sinh, sinh viên bị bắt. 13 giờ ngày hôm đó, Chính phủ của Thủ hiến Trần Văn Hữu đã huy động một lực lượng lớn cảnh sát để đàn áp phong trào biểu tình, đem vòi rồng phun nước và dùng dùi cui đánh đập tàn nhẫn người biểu tình. Cuộc đàn áp này đã dẫn tới việc bắt đi 150 người, đánh đập 30 người trọng thương tại chỗ. Không lùi bước trước kẻ thù, Trần Văn Ơn cùng một số bạn bè hiên ngang tiến về phía trước lớn tiếng tố cáo tội ác của chúng, đồng thời che chở cho các em nhỏ ở phía sau. Trong lúc khiêng nữ sinh Tạ Thị Thâu của Trường Gia Long bị cảnh sát đánh ngất, Trần Văn Ơn đã bị trúng đạn vào bụng. Cùng với các nạn nhân khác, anh được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cứu chữa, tuy nhiên do vết thương quá nặng nên đã qua đời vào 15 giờ 30 phút chiều cùng ngày, khi đó, Trần Văn Ơn mới chưa đầy 19 tuổi. Cái chết của anh đã gây tiếng vang lớn, có tác động rộng khắp trong phong trào đấu tranh của dân chúng Sài Gòn sau đó.

Với sự kiện lịch sử này, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất, tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09 tháng 01 hằng năm là “Ngày truyền thống học sinh - sinh viên”.

Chỉ 5 tháng sau sự kiện Trần Văn Ơn, ngày 5/5/1950, nhà cầm quyền thực dân ra lệnh giải thể các lớp cấp 3 Trường Phước Kiến (nay là trường Trần Bội Cơ ở phường 3, Quận 5). Trước làn sóng đấu tranh của phụ huynh và học sinh, địch huy động cảnh sát đến đàn áp, bắt đi 100 học sinh, trong đó người đứng đầu là nữ học sinh Trần Bội Cơ, chúng dùng đủ mọi cực hình để tra tấn, hòng trấn áp tinh thần Trần Bội Cơ. Nhưng mọi thủ đoạn của địch đều thất bại trước ý chí ngoan cường, dũng cảm của nữ học sinh trẻ tuổi mà kiên cường. Ngày 12/5/1950, Trần Bội Cơ đã anh dũng hy sinh sau một tuần bị địch tra tấn dã man. Cuộc mít tinh truy điệu nữ sinh Trần Bội Cơ được tổ chức trọng thể, lôi cuốn hàng ngàn người tham dự đã tác động mạnh mẽ đến đông đảo các giới đồng bào và các học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trải qua những năm tháng thử thách cam go trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Thu Trang được tuyên truyền tham gia Việt Minh, với vai trò là thành viên của tổ Điệp báo, hoạt động trong nội thành Sài Gòn - Gia Định với bí danh: Tư Nghĩa.

thu-trang-2-1631260804.jpg

Nhà báo – Điệp viên Thu Trang.

Tình hình chính trị lúc bấy giờ, ở miền Bắc, chiến dịch Tây Bắc (từ 14/10/1952 đến 10/12/1952) là chiến dịch tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam trên hướng Tây Bắc nhằm tiêu diệt lực lượng đối phương, giải phóng một bộ phận đất đai, làm thất bại ý đồ của thực dân Pháp trong việc lập "Xứ Thái tự trị". Năm 1952, tình hình nước Pháp rất rối ren. Chỉ trong tháng 2 và tháng 3 năm 1952, nội các Pháp sụp đổ liên tiếp 3 lần. Tình hình chiến trường Đông Dương vẫn là vấn đề nan giải đối với Chính phủ Lâm thời. Tờ tuần báo Hành động (L’Action) số ra ngày 02/4/1952, ký giả Pháp Henri Clau viết: "Dư luận lên án Chính phủ Pháp đang theo đuổi cuộc chiến không lối thoát ở Đông Dương, nhân dân Pháp bất bình vì tình trạng bắt lính kéo dài".

Trong những năm 1950 -1952, nhằm dập tắt các cuộc biểu tình ở khắp các đô thị miền Nam, thực dân Pháp và bè lũ tay sai ráo riết lùng sục, bắt bớ, đàn áp phong trào yêu nước và những người kháng chiến cũ. Điệp viên Thu Trang trong vai trò là một nhà báo, bằng sự nhanh nhạy và mưu trí của nghề nghiệp, lại được sở hữu gương mặt xinh đẹp, khả ái nên đã tiếp cận được nhiều quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn, thu thập được nhiều tin tức quan trọng, nhiều lần Thu Trang được ra căn cứ cách mạng để trực tiếp báo cáo, cung cấp nhiều thông tin có giá trị cao cho tổ chức, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ trên giao.

Vào khoảng tháng 7/1952, Thu Trang vừa đem tin đến hộp thư của một cơ sở bí mật, trên đường trở về Sài Gòn, bà bị mật thám nghi ngờ và bắt giam tại bót Catinat (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh), nơi đây được xem là “địa ngục trần gian”. Bọn an ninh, mật vụ đã dùng thủ đoạn tra tấn với đủ mọi cực hình man rợ về thể xác, uy hiếp khủng bố về tinh thần nhưng không moi được bất cứ tin tức gì ở bà. Bất lực trước ý chí sắt đá của nhà báo yêu nước Thu Trang, địch quay sang dùng “chính sách dụ dỗ” hòng lay chuyển tinh thần của bà nhưng vẫn không có kết quả. Sau gần một năm giam cầm, cơ quan an ninh của địch hoàn toàn bất lực, chúng đành chuyển bà sang Khám Lớn Sài Gòn (nay là Thư viện tổng hợp TP Hồ Chí Minh) để tiếp tục tra xét. Trong suốt thời gian ở trại giam bà luôn được tổ chức cách mạng bí mật liên lạc qua cơ sở nằm vùng để động viên và tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để Thu Trang vững lòng tin tưởng vào cách mạng.

Thất bại trước sự trung kiên và gan dạ của những người thanh niên yêu nước. Trước sức ép của công luận, nhà cầm quyền Sài Gòn buộc phải đưa vụ án ra xét xử công khai vào tháng 6/1953. Với sự vận động và bố trí của tổ chức cách mạng, đã mời được luật sư nổi tiếng Nguyễn Hữu Thọ đảm nhận việc tranh tụng, bảo vệ và giải thoát được cho ba nữ thanh niên yêu nước trong phiên tòa đó là: Nguyễn Thị Châu Sa (Nguyễn Thị Bình), nhà báo Đỗ Duy Liên và nhà báo Thu Trang (Công Thị Nghĩa). Với tài hùng biện và chứng lý thuyết phục của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, phiên tòa thành công vang dội, các bà được tuyên trắng án và được tha bổng ngay tại tòa. Trong giới học sinh, sinh viên lúc bấy giờ truyền tụng nhau về vụ án “Ba bông hồng vàng” nổi tiếng này, bởi cả ba người con gái đều thông minh, xinh đẹp và bất khuất, kiên trung.

Phiên tòa đã trở thành một cơ duyên để nhà báo Thu Trang làm quen và kết thân được với hai người chị hơn mình cả về tuổi đời lẫn thời gian tham gia cách mạng, đã giúp bà hiểu thêm về cách mạng, về Tổ quốc và Bác Hồ kính yêu. Tiếp thêm sức mạnh cho Thu Trang tin tưởng vào cuộc dấn thân đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình và thống nhất đất nước.

*

Nói thêm đôi nét về thân thế và cuộc đời hoạt động của hai nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Thị Châu Sa (Nguyễn Thị Bình) và nhà báo Đỗ Duy Liên, những người đã tuyên truyền và dìu dắt nhà báo Thu Trang vững bước trên con đường đấu tranh cho lý tưởng hòa bình và giải phóng dân tộc;

Bà Nguyễn Thị Châu Sa (Nguyễn Thị Bình), sinh năm 1927, tại làng Tân Hiệp, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Nguyên quán ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ bà là Phan Thị Châu Lan (tục gọi là cô Mè), con gái thứ hai của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Bà Nguyễn Thị Châu Sa được gia đình cho ăn học tại trường Lycée Sisowath ở thủ đô Phnôm Pênh - Campuchia. Là ngôi trường nổi tiếng Đông Dương thời Pháp thuộc. Bà được học tiếng Pháp cho hết tú tài I, bà luôn là một học sinh toàn diện, xuất sắc về nhiều mặt. Năm 1944, lúc bà mới 17 tuổi, mẹ bị bạo bệnh qua đời, bà theo gia đình trở về nước và bắt đầu tham gia các hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên, như: cứu tế và cướp chính quyền tại Sài Gòn. Cuối năm 1945, sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, cha bà ra chiến khu, còn bà ở lại để chăm sóc các em, vừa hoạt động bí mật cho phong trào Việt Minh khối học sinh, sinh viên, và phụ nữ, lấy bí danh là Yến Sa. Năm 1948, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1951, bà bị thực dân Pháp bắt giam và tra khảo tại bót Catinat, sau đó giam ở Khám Lớn Sài Gòn rồi Khám Chí Hòa (1951 - 1953). Ra tù, bà tham gia phong trào hoà bình đòi thi hành Hiệp định Genève. Đến năm 1955, bà được ra Bắc tập kết để đào tạo theo chương trình bồi dưỡng cán bộ đặc biệt. Bà trở thành nữ chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, giữ cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968 - 1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký Hiệp định Paris năm 1973 chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định này.

Sau sự kiện 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà vinh dự được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Bà là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội từ khoá VI đến khoá X. Tại kỳ họp Quốc hội khóa IX, bà Nguyễn Thị Bình được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Bà Đỗ Duy Liên sinh tại Thị xã Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây (nay là Thị xã Sơn Tây thuộc Hà Nội). Bà theo cha sống và đi học ở thủ đô Viêng Chăn (Lào). Cha là bác sĩ thú y. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, với tấm lòng của một trí thức yêu nước được giác ngộ cách mạng, ông đã đưa cả gia đình về Sài Gòn hành nghề y để sinh sống.

Bà Đỗ Duy Liên là một người phụ nữ xinh đẹp, phúc hậu, dịu dàng và năng nổ trong mọi công việc. Trong kháng chiến chống Pháp, bà cùng hoạt động với bà Nguyễn Thị Bình, Lê Thị Riêng, Uyển Thanh (Hai Thanh) và nhiều lãnh đạo phụ nữ miền Nam. Bà bị địch bắt lần thứ nhất vào năm 1952 đến tháng 6 năm 1953 bà ra tù, tiếp tục hoạt động cách mạng phụ trách công tác tuyên huấn.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thành lập ngày 20/12/1960, bà được giao nhiệm vụ Tổng Biên tập tờ báo Cờ Giải phóng - Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc giải phóng Thành phố Sài Gòn. Năm 1967, bà bị địch bắt lần thứ hai, chúng tra tấn hết sức dã man, tàn bạo, tẩm xăng đốt hai bàn tay bà như hai ngọn đuốc, hình ảnh đó đã được tái hiện trong vai chị Vân, phim Nổi gió của đạo diễn, NSND Huy Thành, do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1966. Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam nói về chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Phim đã giành được giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất.

Năm 1968, bà ra tù và được bí mật chuyển ra miền Bắc Xã hội chủ nghĩa để chữa bệnh rồi tham gia Phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở Hội nghị Paris. Sau giải phóng, bà là Thành ủy viên - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách khối: Báo chí, văn hoá, xã hội, y tế, thương binh.

thu-trang-6-1631260804.jpg

Nhà báo – Điệp viên Thu Trang.

Trở lại với Công Thị Nghĩa, sau khi rời khỏi nhà tù của thực dân, trong hoạt động bí mật, bà được sự dìu dắt và động viên của bà Nguyễn Thị Châu Sa và nhà báo Đỗ Duy Liên. Để đáp ứng tình hình và nhiệm vụ mới, đỏi hỏi điệp viên phải trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, có chứng chỉ hành nghề. Bà đã gấp rút hoàn thành một khóa đào tạo chính quy về báo chí để công khai hoạt động bằng nghề ký giả, chuyên viết về văn hóa - nghệ thuật với các bút danh: Thu Trang, Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu… nhiều bài viết của bà xuất hiện trên các báo: Tân Văn, Cần học, Sài Gòn mới, Phụ nữ diễn đàn, Lẽ sống…

Bà Thu Trang là một phụ nữ dũng cảm phi thường, bà đã chọn cả hai nghề nguy hiểm nhất để dấn thân vào công cuộc đấu tranh cách mạng, đó là nghề điệp viên - một trong những nghề bí ẩn và nguy hiểm nhất thế giới với tính chất hiểm nguy mà thậm chí "một đi không trở lại", Một nghề vinh quang nhưng cũng nhiều cay đắng. Thứ hai là nghề làm báo, đầy đam mê và cám dỗ, vất vả cả về thể lực, trí lực với trách nhiệm xã hội cao. Cái tâm của người làm báo chính là đạo đức nghề nghiệp. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, bà Thu Trang đã thâm nhập được vào cơ quan trọng yếu của chính quyền tay sai và tiếp xúc với nhiều quan chức của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nên đã khai thác được những tin tức quan trọng mà mọi hoạt động của bà vẫn che được mắt của bọn mật vụ.

Tình hình miền Nam lúc bấy giờ được sự trợ giúp mạnh mẽ của đế quốc Mỹ, Ngô Đình Diệm đã đẩy mạnh việc thanh toán những phe phái đối lập, tập trung mọi cố gắng để “tiêu diệt cộng sản”, với những đợt “tố cộng”, “dồn dân” vào ấp chiến lược. Với Luật 10-59, Diệm phát động nhiều chiến dịch quy mô lớn, kéo dài để khủng bố, tàn sát những người kháng chiến cũ. Chúng đã tìm mọi cách kìm kẹp, chia rẽ, khủng bố, đàn áp phong trào… đưa các đại diện học sinh, sinh viên ra xét xử, bắt bớ hàng trăm Đảng viên, Đoàn viên và quần chúng tích cực ở các trường Petrús Ký, Gia Long, Nguyễn Bá Tòng…Trong nhà tù, chúng dùng nhiều hình thức mua chuộc, tra tấn, đánh đập đối với học sinh, sinh viên. Nhiều thanh niên, học sinh đã dũng cảm kiên cường, giữ vững khí tiết không đầu hàng, phản bội dân tộc. Cả miền Nam chìm trong cảnh khủng bố, tang tóc. Hàng chục vạn cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng bị giam cầm, đày ải, giết hại dã man. Đây là cuộc chiến tranh đơn phương tàn bạo chống lại nhân dân miền Nam khiến cho Cách mạng miền Nam chịu nhiều tổn thất, khó khăn to lớn. Tuy nhiên, bạo lực không thể dập tắt được tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh vì độc lập, tự do và quyết tâm thống nhất đất nước của nhân dân cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam đòi thực hiện Hiệp định Genève, chống lại chính sách chia cắt và đàn áp của chính quyền tay sai Mỹ ngày càng dâng cao, buộc Mỹ phải gia tăng mức độ can thiệp để giữ cho những “con bài” của mình không sụp đổ. Đế quốc Mỹ đổ tiền và vũ khí cho chính quyền Sài Gòn gấp rút xây dựng lực lượng quân sự để thực hiện “Chiến tranh đặc biệt” với công thức: Quân đội Sài Gòn + Vũ khí Mỹ + Cố vấn Mỹ + Viện trợ Mỹ = Thành công.

Để đập tan âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu, tiến tới trực tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cùng với sự phát triển vững mạnh của lực lương vũ trang và nhân dân toàn miền Nam; Đồng thời, để hỗ trợ cho lực lượng tình báo của ta đã trưởng thành và phát triển ở khắp các đô thị trọng yếu của miền Nam, nhiều chiến sỹ tình báo đã leo cao, luồn sâu vào bộ máy quan trọng của địch. Trung ương đã cử những cán bộ tình báo lỗi lạc, trực tiếp vào căn cứ để chỉ huy như Trần Quốc Hương (Mười Hương). Biệt phái hàng loạt các nhà tình báo chiến lược của ta được đào tạo bài bản từ nước ngoài trở về phục vụ chiến trường như Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) – Điệp viên hoàn hảo “Ký giả số 1 Việt Nam”, là người tình báo đầu tiên của ta sang học báo chí tại Mỹ. Từ Miền Bắc theo đường “di cư” vào có lưới của Đinh Thị Vân - Trong lịch sử tình báo quân sự Việt Nam, có một nữ điệp viên chiến lược đã hy sinh hạnh phúc riêng - lấy vợ cho chồng để rồi suốt mấy chục năm âm thầm làm nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm trong lòng địch. Bằng trí nhớ tuyệt vời, sự quan sát chính xác với chiếc máy ảnh Betri nhà nghề, bà là người vẽ bản đồ phòng ngự Nam vĩ tuyến 17; Phạm Ngọc Thảo - “Nhà tình báo cô độc”; Vũ Ngọc Nhạ - Người xây dựng cụm tình báo chiến lược A22; Hoàng Minh Đạo - Cha đẻ của ngành tình báo Việt Nam, Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược H.63 vân vân… Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc vĩ đại, ngành tình báo của ta đã lập được nhiều chiến công vô cùng to lớn có ý nghĩa quyết định về chiến lược và thành công về chiến thuật.

Tình hình Miền Nam Việt Nam trong những năm 1960 - 1965 đã bước sang giai đoạn mới. Ngô Đình Diệm dùng Luật 10-59 để đàn áp những người kháng chiến cũ rất khốc liệt, như tra tấn, cầm tù, thủ tiêu con số lên đến hàng chục vạn người… Nhưng lực lương cách mạng vẫn trụ vững và phát triển mạnh mẽ. Khởi đầu là một đợt tiến công quy mô lớn, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang mà trong đó chính trị vẫn đóng vai trò chủ đạo, với phương châm "Ba mũi giáp công" (quân sự, chính trị, binh vận). Phong trào có tên là “Đồng khởi” mà khởi đầu xuất phát tại tỉnh Bến Tre, rồi phát triển ra nhiều tỉnh, thành trong toàn miền Nam. Đến cuối năm 1960, lực lượng Giải phóng đã kiểm soát được phần lớn nông thôn miền Nam.

Một sự kiện chính trị quan trọng đã diễn ra, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, gồm nhiều đại diện các thành phần tôn giáo, tầng lớp xã hội, dân tộc khác nhau ở miền Nam Việt Nam. Ngày 15/2/1961, thành lập Quân Giải phóng miền Nam. Lực lượng của ta đã đủ mạnh để đánh thắng nơi nào là thành lập ngay "chính quyền cách mạng" ở nơi đó.

Trong khí thế tiến công của cách mạng, các chiến sĩ tình báo của nội thành Sài Gòn hoạt động như con thoi, khai thác được nhiều tin tức quan trọng gửi về căn cứ. Hoa hậu Thu Trang với tư cách nhà báo và là minh tinh màn bạc nổi tiếng; Bà đã có nhiều cơ hội để tiếp cận với giới thượng lưu và quan chức của chính phủ Sài Gòn, khai thác được nhiều thông tin cơ mật. Nhưng chẳng được bao lâu thì một “tai họa” đã ập đến - bà mang thai ngoài ý muốn, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, nên bà bị tẩy chay, uy tín bị sụp đổ hoàn toàn. Sự việc này đã đánh dấu chấm hết cho sự nghiệp làm báo và làm điệp viên của Thu Trang. Bà đã quyết định bỏ lại tất cả để tìm đường đi nước ngoài, như một cuộc chạy trốn trong hổ thẹn để mong tìm được một cuộc sống mới.

HOA HẬU SÀI GÒN

Đầu năm 1955, Tổng trưởng Thông tin Trần Chánh Thành và Tổng trưởng Xã hội Nguyễn Mạnh Bảo của chính quyền miền Nam đã cùng họp bàn để tổ chức lễ hội kỷ niệm Hai Bà Trưng (6 tháng 2 âm lịch), trong lễ hội đó sẽ có cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn và cũng là của Việt Nam Cộng Hòa nhằm tôn vinh hai nữ anh hùng dân tộc, đồng thời lấy tiền bán vé để ủng hộ cho Tổng uỷ di cư tị nạn.

Trong một lần đến phỏng vấn thành phần ban giám khảo để đưa tin về cuộc thi hoa hậu là tin hót giật tít trên trang nhất các tờ báo ở Sài Gòn bấy giờ, một thành viên trong ban giám khảo giật mình trước nhan sắc của nhà báo Thu Trang vượt trội hẳn một số người đẹp đã đăng ký nên khuyên bà: "Cô đẹp như vậy, nên đăng ký tham gia cuộc thi này". Một số người có thẩm quyền trong ban tổ chức cũng thật tâm khuyên bà nên đăng ký, bà đã hồn nhiên đồng ý để làm thủ tục với tên Thu Trang. Mặc dù hoàn cảnh gia đình bà còn khó khăn, không có đủ tài chính để chuẩn bị như yêu cầu bắt buộc cho mỗi thí sinh. Được sự cảm thông giúp đỡ của những người quen nên chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, một chiếc áo dài viền đăng ten màu vàng rất đẹp đã được may gấp để làm trang phục dự thi cho Thu Trang.

Cuộc thi Hoa hậu vào ngày 20/2/1955, tại rạp Lido Chợ Lớn (Sài Gòn), thu hút sự quan tâm của rất nhiều cô gái xinh đẹp ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận ở miền Nam Việt Nam. Do quan niệm Á Đông vẫn còn khá nặng nề nên cuộc thi này không có phần thi áo tắm mà chỉ có phần thi váy dạ hội và tài năng, ứng xử. Hoa hậu Thu Trang - Công Thị Nghĩa đăng quang với chiều cao 1,61m, số đo 3 vòng 86 - 62 - 88 cm và nặng 53 kilogam. Á hậu 1 là Nguyễn Thị Ninh và Á hậu 2 là Ngô Yên Thu, sinh viên Đại học Cần Thơ.

thu-trang-3-1631260788.jpg

Hoa hậu Thu Trang - Công Thị Nghĩa đăng quang Cuộc thi Hoa hậu vào ngày 20/2/1955, tại rạp Lido Chợ Lớn (Sài Gòn).

Phần thưởng đặc biệt dành cho hoa hậu của cuộc thi mà Thu Trang được nhận sau khi đăng quang gồm: 1 vé máy bay đi Mỹ; 3 ngàn đồng tiền lúc bấy giờ (tương đương với 10 cây vàng), nước hoa và mỹ phẩm của các hãng thời trang danh tiếng, và một chiếc mô tô Lambretta rất giá trị lúc bấy giờ, nên từ đó người ta gọi Thu Trang là “Hoa hậu Lambretta”.

Thời gian sau khi đăng quang, Hoa hậu Thu trang được “trải thảm đỏ” mời chào tiệc tùng, gặp gỡ giao lưu… và có sức hút rất lớn với công chúng. Bà được giới nghệ sĩ, điện ảnh và người hâm mộ săn đón… Ngành phim ảnh miền Nam lúc bấy giờ không thể thiếu hình ảnh của diễn viên - Hoa hậu Thu Trang. Từ năm 1956, Thu Trang bắt đầu bước vào thế giới điện ảnh và tham gia đóng nhiều vai. Hồi ấy, để tuyên truyền cho chính sách “chống Cộng sản miền Bắc”, bộ phim "Chúng tôi muốn sống" (đạo diễn Vĩnh Noãn), do Cơ quan viện trợ Mỹ đài thọ đã mời Thu Trang đóng vai chính trong phim, nhưng bà đã từ chối. Để che mắt mật thám, bà đồng ý đóng một vai phụ là người nữ cán bộ Việt Minh.

Năm 1957, lần thứ hai Thu Trang được mời vào vai Kiều Nguyệt Nga trong bộ phim “Lục Vân Tiên”, chuyển thể từ áng thơ bất hủ của cụ Đồ Chiểu, do Tống Ngọc Hạp làm đạo diễn, ông là người vừa sáng tác nhạc phim, vừa tham gia diễn xuất. Ông cũng là một nhà báo, một tác giả nổi tiếng có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật Điện ảnh non trẻ của miền Nam vào thập niên 1950.

thu-trang-5-1631260788.jpg 

Thu Trang vai Nguyệt Nga trong phim Lục Vân Tiên.

Năm 1957, hoa hậu – diễn viên Thu Trang và đạo diễn Tống Ngọc Hạp đem phim Lục Vân Tiên sang Nhật làm “hậu Kỳ” lồng tiếng và nhạc để hoàn thành bộ phim với những nét nhạc dịu dàng đầy màu sắc dân tộc. Bộ phim màu đầu tiên hoàn toàn do người Việt Nam thực hiện với nữ diễn viên Thu Trang, hoa hậu Việt Nam 1955, đã được mời tham dự Đại hội điện ảnh Á Châu lần thứ tư. Đây là một thành công lớn của nền điện ảnh miền Nam Việt Nam. Chuyến đi chỉ có 2 người là bà và đạo diễn Tống Ngọc Hạp. Bà cũng không ngờ đó là bước khởi đầu của một cuộc tình oan trái. Sau chuyến đi, bà mang thai và nhận phải sự chỉ trích nặng nề của dư luận.

thu-trang-4-1631260789.jpg

Trong cuốn hồi ký của mình, bà có thổ lộ khá chi tiết về mối tình không lối thoát này, bà viết: "Tới tuổi 25 tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm. Bị đưa vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Khi người đàn ông đam mê sẽ dễ bị say trong nỗi cuồng điên man dại? Hay chính tôi là một đối tượng có những nét gì khó gần, quá giữ gìn nên càng gây kích thích trong sự phải chiếm đoạt? Phải chinh phục do tự ái của đàn ông tính, pha lẫn với ít nhiều tưởng tượng là tình yêu? (...) Ngang trái thay, tôi đã không biết abc gì trên phương diện tình dục. Tôi có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo (…) Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự việc như vậy".

Cuối năm 1957, một nhóm các nhà làm phim người Mỹ đến Việt Nam dự định thực hiện bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” dựa trên tiểu thuyết đang ăn khách lúc đó. Đạo diễn Mankiewicz đã nhắm cho Thu Trang vai diễn cô gái Việt trong phim nhưng bà từ chối gặp. Đồng nghĩa với việc bà đã từ chối một cơ hội quý để tìm đường đến Hollywood - Kinh đô điện ảnh nổi danh. Hollywood đại diện cho ngành giải trí và điện ảnh của Hoa Kỳ. Lúc này, bà chọn làm mẹ trong bình an. Sinh con xong, bà xin vào làm việc ở một công ty nước ngoài để tránh điều tiếng.

XA TỔ QUỐC

Trước tình hình chính quyền Ngô Đình Diệm với Luật 10/59 bắt đầu quá trình xét lại tội danh với tất cả những người tham gia cách mạng trước đây, nhiều đồng chí từng hoạt động chung với bà đã khuyên bà nên rời Sài Gòn càng sớm càng tốt để tránh sự trả thù.

Cũng là một cơ duyên, cuối năm 1960, với tư cách diễn viên điện ảnh, Thu Trang được Chánh văn phòng Bộ Thông tin chính quyền Ngô Đình Diệm giới thiệu làm việc với đoàn công tác của Đài Truyền hình Pháp và được họ mời sang Paris tham gia diễn xuất trong một bộ phim dài đã có kịch bản. Được Đại sứ Pháp tại Sài Gòn can thiệp, nên mọi thủ tục visa hoàn tất rất nhanh chóng. Tháng 11 năm 1960, bà qua Pháp. Khi đến nơi, Thu Trang mới biết họ muốn bà đóng trong bộ phim ca ngợi thời vàng son của thời kỳ thực dân đô hộ và “chống Cộng”, nên bà đã từ chối. Thu Trang cũng không thể trở về trong thời kỳ nghiệt ngã với Luật 10/59 của Ngô Đình Diệm. Bà đã quyết định ở lại sinh sống lâu dài tại Pháp.

Khi biết tin điệp viên Công Thị Nghĩa đã đi nước ngoài trót lọt, Trần Lệ Xuân, Chủ tịch Phong trào Liên đới Phụ nữ Việt Nam trực thuộc Đảng Cần lao Nhân vị đã ném cả cốc nước trà vào mặt Tổng Nội vụ thời đó và quát: “Tại sao các ông lại cho con Việt Cộng nằm vùng đó trốn thoát!”

Hai mẹ con bà Thu Trang lo được nơi ăn chốn ở tạm thời tại Paris. Muốn tồn tại ở một nước văn minh như nước Pháp, việc trau dồi kiến thức và ngoại ngữ là quan trọng nhất, nên bà đã tham gia những khóa học tiếng Pháp đầu tiên tại Sorbonne và may mắn được GS Durand - nhà ngôn ngữ học và sử học kèm cặp. Đến năm 1964, bà chính thức ghi tên vào khoá học của GS Durand tại Trường cao học Ngôn ngữ và Sử học Đông Dương. Sau đó, bà xin vào học Trường cao học về Lịch sử và Triết học - thuộc trường Đại học Sorbonne - École pratique des Hautes Études: Section des Sciences historiques et philologiques. Vì số tiền dành dụm mang theo từ Việt Nam ngày càng cạn kiệt, bà đành phải vừa đi học, vừa làm gia sư, thông dịch viên tiếng Anh để chi trả sinh hoạt phí cho hai mẹ con.

thu-trang-7-1631260777.jpg

Bà Thu Trang và con trai Tống Ngọc Vân Tiên tại Paris.

Tại Pháp, bà Thu Trang đã khám phá ra những hoạt động của các trí thức (cả Nho học và Tân học Việt Nam), họ thu được rất nhiều kết quả khả quan, đã dấy lên tình yêu nước chống thực dân trong giới Việt Kiều và đánh thức dư luận Pháp về chế độ thuộc địa. Chính vì thế, khi tốt nghiệp cao học, bà chọn đề tài làm luận án về Phan Châu Trinh. “Trong tâm trạng của một người dân mất nước, tôi say sưa nghiên cứu về khoảng thời gian Pháp đô hộ Việt Nam…”. Và chính những nghiên cứu ấy đã như một liều thuốc dưỡng sinh, như một dòng nước mát giúp bà hiểu biết nhiều điều, vén bức màn bí mật để tìm ra chân lý.

Bà tập trung vào nghiên cứu về Bác Hồ và Phan Châu Trinh tại Pháp… Năm 1978, bà bảo vệ thành công đề tài "Những hoạt động của Phan Châu Trinh" và trở thành tiến sĩ sử học tại Đại học Paris VII. Khi hoàn thành luận án, bà đã thu lược và viết thành sách với tựa đề Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911 - 1925 được ấn hành tại Pháp năm 1983. Sau này, cuốn sách được Trung tâm Quốc học tái bản và in lần đầu tại Việt Nam với nhiều tài liệu bổ sung. Một phần do chính tác giả sau những tìm tòi và có thêm sự trợ giúp của chính gia đình Phan Châu Trinh, cộng với một số tài liệu của bà Lê Thị Kinh, một trong số cháu ngoại của cụ Phan đã sang Pháp sưu tầm thêm. Còn cuốn Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp 1917 - 1923 đã được in trong nước từ những năm 1990. Hai tác phẩm này sau đó đều đã được dịch ra tiếng Pháp. Không chỉ là những tác phẩm nghiên cứu sử học, bà còn cho ra mắt một tập thơ mang tên Nói sao cho vợi. Đó là những nỗi niềm tâm sự gửi gắm của một người con xa quê luôn đau đáu nhớ về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Bà nói, những năm cuối 1990, trong một buổi gặp gỡ nhóm các nhà thơ, nhà văn Việt Nam được tổ chức tại Huế, bà đã được bình chọn là một trong 100 nhà thơ Việt Nam được yêu mến của thế kỷ XX. Trước đây, ngoài những hoạt động xã hội và công việc của mình, trong một thời gian dài, bà không những là một cây viết tích cực mà còn là biên tập viên tạp chí Đoàn kết của Hội người Việt Nam tại Pháp. Bà cũng miệt mài làm việc và tham gia vào các phong trào giúp đỡ các em học sinh, sinh viên mới sang Pháp du học. Bà từng là thành viên Đoàn Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học xã hội Hội Người Việt Nam tại Pháp. Ngoài những hoạt động trên, bà thường xuyên giao lưu với các trí thức lớn của Việt Nam mỗi khi trở về thăm quê hương đất nước.

Bà Thu Trang đã tham gia trong một cuộc biểu tình cho nền độc lập của Algérie bị cảnh sát đàn áp, ước tính có từ 32 tới 325 người chết. Từ sự kiện đó, một phong trào sinh viên, bắt đầu từ Đại học Nanterre, lan dần tới khu phố La Tinh rồi trở thành một vụ bạo loạn. Cuộc biểu tình này có 800.000 người chống lại cảnh sát. Phải sau hai tháng, tình hình mới yên ổn trở lại. Chính tại đây, bà đã tiếp cận và sớm thân thiết với một nhóm sinh viên khuynh tả, quan tâm và ủng hộ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của Việt Nam. Trong nhóm sinh viên đó có Marcel Gaspard - một sinh viên y khoa, sau này trở thành giáo sư, tiến sĩ khoa học và là người bạn đời của bà Thu Trang. Cuộc sống của hai mẹ con bà bên Giáo sư y khoa Marcel Gaspard nơi đất Pháp khá hạnh phúc và an yên.

Để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, bà Thu Trang bắt đầu vẽ từ những năm 1962 - 1963, và đã có cuộc triển lãm riêng để giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật ở Paris, tại trụ sở của Hội người Việt Nam tại Pháp và một số tỉnh lân cận Paris. Bà như một họa sĩ chuyên nghiệp, mỗi lần tổ chức triển lãm, tranh của bà được đánh giá cao và đều bán được.

Năm 2010, bà cho xuất bản cuốn hồi ký Một thời để nhớ, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Cuốn sách gần 600 trang là những câu chuyện thú vị với nhiều giai thoại về cuộc đời một người đẹp, một trong những hoa hậu đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa, gắn liền với những biến cố của dân tộc. Cuốn sách đã được dịch sang tiếng Nga.

Từ những năm đầu của thập kỷ 1980, bà thường xuyên về Việt Nam, đi từ Nam ra Bắc, để tham gia giảng dạy trong các trường đại học và tổ chức các cuộc hội thảo về văn hoá du lịch.

Ngoài ra, bà luôn tranh thủ những lần về nước để làm từ thiện. Với chức danh của mình, từ những năm 1983, bà đã đi quyên góp tiền ủng hộ xây dựng một số trường lớp cho trẻ em lang thang ở TP. Hồ Chí Minh, hay đến tặng quà tình nghĩa cho các nạn nhân chất độc da cam tại làng Vân Canh…

thu-trang-8-1631260777.jpg

Một số tác phẩm của bà Thu Trang đã xuất bản tại Pháp và Việt Nam.

CUỘC TÌNH ĐƠN PHƯƠNG

Gọi Bùi Giáng là "người thơ" vì chất thơ ông thuần Việt, với đặc trưng dân dã, bụi bặm, gần gũi với đông đảo quần chúng. Trong lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại, chưa từng có một trường hợp nào lạ lùng và độc đáo như vậy. Tuy Bùi Giáng hai đời vợ nhưng trái tim ông vẫn còn hừng hực ngọn lửa tình yêu, hơn nữa Bùi Giáng lại yêu toàn những nhan sắc nổi tiếng đương thời. Đặc biệt là mối tình “đơn phương” với nghệ sỹ Kim Cương khi bà mới 19 tuổi. Sài Gòn truyền tụng câu thơ: “Anh yêu em như Bùi Giáng yêu Kim Cương”. Kỳ nữ Kim Cương không xiêu lòng nhưng cảm động. Vì lẽ đó bà mới tiếp ông mỗi khi ông tới đập cửa nhà mình. Đến độ cái gì ông cũng mau quên, chỉ nhớ độc số điện thoại nhà riêng của Kim Cương.

Những tưởng thi sĩ Bùi Giáng trọn vẹn mối tình với nghệ sỹ Kim Cương suốt cuộc đời, chẳng ngờ vừa mới gặp hoa hậu Thu Trang lớn hơn Kim Cương 5 tuổi, như tiếng sét ái tình khiến Bùi Giáng ngày đêm mê đắm đến quên ăn quên ngủ. Đúng là “gái một con trông mòn con mắt”, vẻ đẹp kiêu sa của cô gái Hà Nội với giọng nói nhẹ như hơi thở đầy ắp sức quyến rũ, Bùi Giáng như lạc vào vẻ đẹp uy lực của hoa hậu Thu Trang. Trước ngày bà Thu Trang lên đường sang Pháp, bà ngỡ ngàng trước lời tỏ tình của thi sĩ Bùi Giáng.

Bùi Giáng đã tức cảnh sinh tình làm nhiều thơ tặng Thu Trang. Giới văn nghệ sĩ Sài Gòn đoán chắc rằng câu thơ đầy lạ lùng và nổi tiếng của Bùi Giáng là "Còn hai con mắt, khóc người một con" chính là viết cho riêng bà. "Khóc người một con", tức là thương cảm cho người phụ nữ có một đứa con trai tên Tống Ngọc Vân Tiên. Chứ tuyệt nhiên không liên quan gì đến chuyện nhãn cầu cả. Tất nhiên, với chữ nghĩa của một thi sĩ như Bùi Giáng, thì ai suy nghĩ sao cũng có lý của nó cả. Câu thơ nổi tiếng này còn thảng thốt ẩn sau nốt nhạc buồn đắng trong ca khúc Con Mắt còn lại của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bùi Giáng còn viết nhiều bài thơ khác cho Thu Trang, có bài đã công bố, có bài chưa. Như trong tập Mưa nguồn in năm 1962, ông có viết tặng bà như sau:

"Không biết nữa trời tròn hay méo,

Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay,

Anh ngó lên trời mây gió gửi nhau bay,

Trời bên kia

Nhan sắc ở bên này".

Họa sĩ Bửu Ý có chép lại bài thơ mà thi sĩ Bùi Giáng làm riêng cho người đẹp, tựa đề là Thu Trang, với những câu thấm đẫm tình cảm tuyệt vọng lẫn hờn trách:

"Trang của tờ giấy cũ,

Của vầng tóc ban đầu,

Trang của hồi vàng tụ,

Về mệt mỏi mai sau,

Anh nhớ em vô cùng,

Đất sầu không xiết kể,

Anh kêu gọi mông lung,”

Thu Trang như “chim dính ná”, một lần lỡ dở tiếng xấu để đời, không người cảm thông với hoàn cảnh éo le của bà, nên “ái tình” đối với bà bây giờ là điều tội lỗi mà bà luôn tìm cách xa lánh, khước từ. Mặc dù có gặp gỡ, trao đổi chuyện văn chương với thi sĩ Bùi Giáng, nhưng bà nhất mực cự tuyệt tình yêu của ông. Bùi Giáng ôm trong lòng mối tình đơn phương, tuyệt vọng lẫn hờn trách, oán than.

bui-giang-1631260777.JPG Chân dung Bùi Giáng, tranh Đinh Quang Tỉnh.

Có một chuyện tình đã thành huyền thoại, ấy là khi Bùi Giáng biết Thu Trang chuẩn bị cùng con trai đi Pháp. Ông đến nhà thăm bà trong một ngày Sài Gòn mưa buồn. Thu Trang nhớ lại hành động “kỳ cục” của ông hôm đó, bà viết: “Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ mà tôi dùng đi trong nhà, lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: “Tôi về!”. Bùi Giáng thân hình nhỏ thó, với bộ đồ lã tọa, dị hình, nách cắp gói dép, bước đi liêu xiêu trong chiều Sài Gòn cô tịch, dường như ông một mình “làm cả cuộc phân ly”! Hình ảnh thi sĩ Bùi Giáng trong phút chia phôi ấy cứ hằn vào tim bà vương vấn mãi trên đường tha hương.

Đằng sau tất cả những việc làm của cựu Hoa hậu, Tiến sĩ Sử học, Thi sĩ và Họa sĩ Thu Trang là tâm nguyện được đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Khổ thơ sau được trích trong bài Nói sao cho vợi, bà viết từ năm 1969, đã phần nào nói lên được nỗi lòng của một người con xa xứ:

“… Giữa muôn hương sắc huy hoàng

Tôi không thấy mùa xuân sang

Hồn tôi ở phương trời ấy

Tôi đợi mùa xuân Việt Nam!”

Người phụ nữ giàu nghị lực ấy, giờ đây đã chạm tuổi 90. Người con gái làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội - người phụ nữ Việt Nam yêu nước, kiên trung và nhân hậu Thu Trang - Công Thị Nghĩa - người điệp viên dũng cảm năm xưa giờ đây vẫn sống thanh đạm, giản dị và lặng lẽ ở một ngôi nhà nhỏ ngoại ô Paris xa xôi, tránh xa mọi vinh hoa, phú quý, không một tấm huân chương trên ngực. Nhưng bà vẫn thấy mình hạnh phúc vì đã sống cuộc đời có ích cho quê hương, đất nước. Rồi đây, lịch sử tình báo Việt Nam sẽ phải “giải mã” cho nhiều cuộc đời của nhiều chiến sỹ tình báo trên mặt trận thầm lặng, đầy cam go và hiểm nguy, đã bị bụi thời gian khỏa lấp, trong đó có tên tuổi điệp viên Thu Trang - Công Thị Nghĩa. Cuộc đời bà đã tạc vào lịch sử Hoa hậu Việt Nam một hình ảnh cao quý và ngời sáng - một biểu tượng đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam yêu nước./.

* Bài viết có sử dụng nguồn tài liệu tham khảo: Sách “Một thời để nhớ”, Hồi ký của bà Thu Trang; Tư liệu phỏng vấn của Hoàng Phước đăng trên “Kịch Ảnh” năm 1957 và một số tư liệu của đồng nghiệp.