Gánh hàng rong, nỗi lo ngày bình thường mới

Một buổi trưa cuối tuần, trên các tuyến đường thưa thớt bóng người tại TP.HCM, những người bán hàng rong vẫn đang cặm cụi vì cuộc sống mưu sinh trong giai đoạn bình thường mới. Phảng phất sau gánh hàng là vóc dáng lam lũ, nét mặt đen sạm vì cái nắng Sài Gòn, trên đôi mắt của họ hằn sâu những vết chân chim vì bao nỗi lo toan.

Tiếng rao hàng giữa ban trưa

Dù đã đến giữa trưa nhưng xấp vé số trên xe vẫn còn nhiều, cô Hạnh (55 tuổi, quê Vĩnh Long) vẫn đang miệt mài tiếng rao yếu ớt giữa dòng xe cộ thưa thớt trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP. Thủ Đức): “Ai mua vé số không….Cô chú thương tình giúp tôi một vé”.

image001-1636423738.png
Cô Hạnh (55 tuổi, quê Vĩnh Long) bên chiếc xe lăn bán vé số là phương tiện mưu sinh. Ảnh: Đức Tín

Nhà nước vừa cho bán vé số lại, tôi ra đây bán được hơn tuần nay, nhưng ngày nào bán cũng không hết, đại lý phải hỗ trợ thu lại vé giúp tôi. Công nhân về quê nghỉ dịch hết rồi, chợ cũng hạn chế đông người, không còn ai mà mua vé số nữa, tôi là người khuyết tật chỉ còn biết kiếm sống bằng nghề này thôi”, Cô Hạnh buồn bã nói.

Theo lời cô Hạnh, công việc bán vé số cũng là nguồn thu nhập chính của cô để nuôi 2 người con đang tuổi ăn học, bên cạnh đó chồng cô làm nghề chạy xe ôm đợt dịch này cũng ế ẩm. Khi chưa có dịch một ngày cô bán được khoảng 300.000 đồng, nhưng nay đi bán cả ngày cũng chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng khiến cô lo lắng, cả gia đình cô những ngày sắp tới không biết cầm cự thế nào.

Cách đó không xa là Anh Hoàng (44 tuổi, quê Sóc Trăng) đang sắp xếp lại trái cây trên chiếc xe máy cũ kỹ. Khi thấy chúng tôi đi qua, anh vội mời mua hàng: “Trái cây miền Tây tươi ngon bao ăn luôn anh ơi”.

image003-1636423738.png
 Anh Hoàng (44 tuổi, quê Sóc Trăng) bên chiếc xe còn đầy ắp trái cây. Ảnh: Đức Tín

Vợ tui làm công nhân ở Bình Dương, đợt dịch này cũng nghỉ làm về quê chăm con rồi. Tui trước cũng làm công nhân ở Đồng Nai, sức khỏe kém nên giờ chuyển sang bán trái cây lấy từ dưới các tỉnh miền Tây. Trước dịch khách mua hàng chủ yếu người dân và công nhân đông lắm. Giờ thì cả ngày vẫn còn y nguyên, chắc phải kiếm việc làm thêm quá”, Anh Hoàng - có thâm niên bán trái cây hơn 5 năm trải lòng.

image005-1636423734.jpg
Chị Hoa (47 tuổi) bên chiếc xe bánh tráng trộn trước cổng trường Nguyễn Văn Trỗi (TP. Thủ Đức). Ảnh: Đức Tín

Nép mình bên chiếc xe treo đầy bánh tráng, chị Hoa (47 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức)  hy vọng sẽ sớm bán bớt hàng để về nhà. Từ ngày dịch bùng phát, nhiều văn phòng - trường học đóng cửa nên có rất ít người mua. Tình hình sau dịch cũng không khá hơn, Chị phải đi làm thêm buổi tối ở một quán ăn để có thể đủ tiền lo cho con ăn học và chăm sóc mẹ già.

Còn đó..những nỗi lo

image007-1636423737.jpg
Anh Bình (38 tuổi, quê Hải Dương) bên cạnh chiếc xe cá viên chiên bắt mắt của mình. Ảnh: Đức Tín.

Khu Công viên 10 mẫu (trên đường Nguyễn Duy Trinh, TP. Thủ Đức) từ lâu đã là nơi nhộn nhịp bởi các hàng quán ăn uống vỉa hè. Đa phần người bán hàng rong ở đây đều là người dân từ các tỉnh khác đến lập nghiệp, với hi vọng sẽ kiếm được ít tiền gửi về quê cho gia đình.

 

image009-1636423737.jpg
Tuyến đường Nguyễn Duy Trinh (TP. Thủ Đức) chưa bao giờ vắng vẻ như hiện tại. Ảnh: Đức Tín

Anh Bình cũng không ngoại lệ, anh kể: “Tôi ở Hải Dương làm công nhân không đủ trang trải lo cho gia đình và bố mẹ già, nên đành xa quê vào nơi này buôn bán. Đợt trước dịch, tuy hàng quán đông nhưng số lượng khách là người trẻ đến ăn uống, vui chơi các dịp cuối tuần nhiều, kinh doanh thuận lợi. Còn hiện tại, đa số đã đóng cửa, tôi vì không còn kế sinh nhai nên gồng mình lấy hàng về bán. Tuy nhiên, tình hình mua bán ảm đạm quá”.

Theo ghi nhận tại nhiều tuyến đường lớn ở TP. Thủ Đức, cuộc sống đã trở lại bình thường từ khi TP.HCM cho phép mở cửa lại các hoạt động kinh doanh, mua bán. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh phức tạp vẫn còn, kèm theo là tâm lý lo lắng, e ngại ra đường khiến cho phần lớn người dân chọn cách ở nhà và mua hàng qua mạng. Số còn lại là công nhân đã về quê tránh dịch trước đó. Đây là lý do khiến cho những người bán hàng rong như vé số, đồ ăn vặt, trái cây, nước giải khát lâm vào tình cảnh “ế ẩm”.