Đảm bảo an toàn cho học sinh khi học online

Trẻ học trực tuyến phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, tai nạn không mong muốn. Do đó, làm sao để đảm bảo an toàn cho con là vấn đề cấp thiết đặt ra.

Cùng với nỗi lo trẻ khó tập trung, bị cận thị khi tiếp xúc quá nhiều với máy tính, điện thoại thông minh..., phụ huynh còn những nỗi lo khác với những hiểm nguy luôn rình rập khi các em phải sử dụng thiết bị sạc điện này khi học ở nhà.

z2876717552487-538264a2d919984c94783e2a6f15eb47-1635253890.jpg

Trung bình phải ngồi học liên tục từ 2-3h cùng chiếc điện thoại cũ của gia đình, bạn nhỏ này phải vừa học vừa ghim sạc

Nhìn con gái phải vừa học vừa sạc điện thoại, ông Vũ Gia Tuấn – Quận Tân Bình, TP.HCM không khỏi lo lắng “đang học mà bây giờ pin nó tuột, nó nóng lắm, vừa sạc vừa học mấy ngày nay liên tục luôn. Pin nó đã cũ mà đời máy nó cũng cũ nữa, cho nên nó chay pin hay sao đó, học là phải sạc liên tục”.

Từ những câu chuyện thương tâm xảy ra gần đây như ngày 10/9, bé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị điện giật tử vong, công an xác định trong lúc học trực tuyến, do máy trục trặc nên nam sinh đã dùng kéo chọc vào ổ cắm điện, dẫn đến bị giật, hay một bé trai học lớp 5 tại Nghệ An đã tử vong ngày 14/10 sau khi điện thoại phát nổ, nguyên nhân chính từ việc em vừa học online vừa sạc pin, đã cho thấy vừa học vừa sạc thiết bị trở thành một thói quen của nhiều bạn học sinh, tuy nhiên không phải gia đình hay phụ huynh nào cũng chú ý đến vấn đề này.

z2876717564827-5ec78a7c8192a54c64d6a40190ef2929-1635253890.jpg

Các bạn nhỏ thường hay tự ý ghim sạc vì thói quen và dễ thực hiện mà không hỏi qua cha, mẹ

“Mấy ngày nay nghe tivi chú mới sợ, chú mới để ý cái chuyện đó. Trước nay thì thấy tuột pin là kêu cháu nó sạc, bây giờ nhiều vụ quá nên cũng sợ” – Ông Tuấn cho biết thêm”.

Chị Lê Thị Mai – Quận Tân Bình, TP.HCM cũng từng không quan tâm đến chuyện cho con nhỏ tự sạc pin điện thoại vừa học “có một lần bé cũng có làm, nhưng mà ba la, bởi vì trường hợp đó rất là dễ xảy ra về vấn đề điện, cho nên là không có cho bé cắm”.

Giải thích về hiện tượng các thiết bị phát nổ khi vừa sạc pin vừa sử dụng anh Nguyễn Thanh Huy – Quản lý cửa hàng Di Động Việt, TP.HCM cho biết“Hiện tượng mà những thiết bị nóng lên và phát nổ thì nó có một cái nguyên nhân đó là pin của nó nóng lên và khi mà nó nóng lên, nó sẽ phát sinh nhiệt và có thể gây đoãn mạch, thì trình trạng đoãn mạch làm thiết bị mình phát sinh sự cố cháy nổ. Còn đối với các thiết bị mà có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng tuy nhiên nó đã quá cũ thì nó cũng dẫn đến trường hợp là cháy nổ”.

z2876717580337-4c3659b01676720e0235667a7348a7f3-1635253890.jpg

Gia đình cần trang bị cho bé nhiều kỹ năng và kiến thức khi tự học online

Nếu không có giải pháp để phòng ngừa, các vụ việc tương tự có thể tái diễn trong tương lai, khi dạy và học trực tuyến là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Trong đó sự quan tâm của cha mẹ được đặt lên hàng đầu và để kéo dài tuổi thọ của thiết bị cũng như đảm bảo an toàn khi sử dụng thiết bị bắt buộc phải tuân thủ các yêu cầu, hướng dẫn của nhà sản xuất.

Thường trước khi ngủ là mình đã sạc cho các bé, để mà buổi sáng các máy đều đầy pin, thì như vậy sẽ tiện cho các bé trong vấn đề sử dụng” – Chị Mai chia sẻ sau khi rút kinh nghiệm.

Anh Huy cho rằng “khi mà sử dụng mình khuyến khích nên để thiết bị của mình ở một nơi nào đó thoáng, thông thoáng như mình có thể ở trong phòng máy lạnh nè, hoặc mình có thể bật quạt, cửa sổ để cho nó giải nhiệt được tốt hơn. Mình có thể chọn thêm một giải pháp nữa đó là vừa sạc vừa sử dụng, tuy nhiên mình sạc bằng cục sạc dự phòng, thì sạc dự phòng nó sẽ không cắm điện trực tiếp vào dòng điện của mình, nó chỉ cung cấp điện là điện một chiều, cho nên nó sẽ an toàn hơn trong quá trình sử dụng của mình”.

z2876717580106-ac66b28f91653668a500292dafdc085c-1635253890.jpg

Sạc dự phòng là một trong những giải pháp tối ưu nếu đang học mà thiết bị hết pin

Tiến sĩ Võ Đình Tùng– Viện kỹ thuật Hutech, Đại học Công Nghệ TP.HCM chia sẻ thêm giải pháp “chúng ta cũng có thể sử dụng loại quạt làm mát điện thoại, hiện nay trên thị trường cũng có cung cấp cái loại thiết bị này khoảng từ 100-200.000 đồng. Gia đình trang bị thêm cái CP chống giật, lỡ có trường hợp chập xảy ra thì cái CP sẽ bảo vệ tính mạng của chúng ta”.

z2876717580363-db746265209fdc2a659eb36f37fb31f9-1635253890.jpg

Tiến sĩ Võ Đình Tùng– Viện kỹ thuật Hutech, Đại học Công Nghệ TP.HCM

Theo Tiến sĩ Võ Đình Tùng phụ huynh cần chú ý thêm đến vấn đề sử dụng điện và các thiết bị phụ trợ như chuôi cắm điện phải ghim chặt vào ổ điện, không để lỏng lẽo, dây điện phải đảm bảo không bông trốc, đặc biệt dây và chuôi sạc của các thiết bị cần sử dụng những loại có nguồn gốc rõ ràng. “Hãy chú ý sự thay đổi của hình dạng thiết bị, ví dụ như là màn hình bị phòng lên, hay các đường nối nó bị hở ra thì những hiện tượng đó có thể gây ra phát nổ đối với những thiết bị cầm tay” – Tiến sĩ Tùng nhận định thêm.

Các chuyên gia cho rằng cần có sự phối hợp của các giáo viên, trước mỗi giờ học nên thường xuyên nhắc nhở, tư vấn, khuyến cáo các em về vấn đề an toàn thiết bị điện, an toàn trên môi trường mạng để trẻ có ý thức và lâu dần sẽ hình thành kỹ năng, giúp cho trẻ tránh những nguy hiểm, tai nạn rình rập.