Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một nhà văn hóa lớn

Suốt bấy lâu tôi tự hỏi và cũng trao đổi với nhiều người, tại sao Bác Hồ lại chọn giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, một giáo viên dạy lịch sử, không được đào tạo qua trường lớp quân sự nào đứng ra thành lập quân đội, làm tổng chỉ huy, phong quân hàm lần đầu là đại tướng ngay?

Trong dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta đã xuất hiện những vị tướng tài ba, lỗi lạc, ghi dấu ấn với những chiến công hiển hách như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung… Ở thế kỷ 20, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người nghiên cứu, đúc kết và vận dụng sáng tạo được những tinh hoa quân sự của các bậc tiền nhân để làm nên những chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính nể.

Trong 45 năm đời quân ngũ, tôi vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần, nhưng một lần duy nhất được Đại tướng trực tiếp giao nhiệm vụ tôn tạo hang Cốc Bó, đó là một kỷ niệm sâu sắc nhất và là dịp để hiểu sâu hơn về Đại tướng về tấm lòng của Đại tướng với Bác Hồ, đây cũng là dịp để trả lời câu hỏi của tôi. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những kỷ niệm với Đại tướng lại bừng lên trong lòng tôi, sâu sắc nhất là nhiệm vụ cải tạo hang Cốc Bó.

Kỷ niệm với Đại tướng qua nhiệm vụ cải tạo hang Cốc Bó

Rời Tổ quốc tìm đường giải phóng dân tộc vào mùa hè năm 1911 từ một bến cảng phía nam - Bến Nhà Rồng để rồi đến năm 1941, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mới trở về, bước chân trở về sau 30 năm bôn ba bắt đầu từ địa đầu núi rừng phía bắc Tổ quốc.

Ngày 28/1/1941 (mồng 2 Tết Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc về nước. Mảnh đất Pác Bó (Cao Bằng), nơi có địa thế hiểm trở, núi non hùng vĩ, có hang đá khả năng bảo vệ chống được đánh phá của bom đạn, vị trí gần biên giới Việt - Trung thuận lợi cho việc tiến, lui khi có tình huống xảy ra. Khu vực nơi đây quần chúng nhân dân đã được giác ngộ kiên cường tranh đấu, trung thành với Ðảng, với cách mạng, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, vào thắng lợi của cách mạng, được Người chọn làm nơi đặt cơ quan chỉ đạo phong trào cách mạng và tiếp tục tạo ra những nhân tố quan trọng, cần thiết để đưa cách mạng đến thành công.

Hang Cốc Bó trong khu Pắc Bó - Cao Bằng là nơi Bác về ở đây, có Anh Văn (Võ Nguyên Giáp) cùng ở hang này hai lần vào năm 1941 và năm 1944. Nơi đây Bác đã vạch ra con đường của Cách mạng Việt Nam.

Vào một buổi sáng tháng 7.2005, tôi đang trong phòng làm việc, Đại tá Nguyễn Huyên, Thư ký của Đại tướng Võ nguyên Giáp gọi điện thông báo: Anh Văn giao cho đồng chí Tư lệnh Công binh lên kiểm tra lại hang Cốc Bó về báo cáo. Tôi cứ băn khoăn mãi, đã hai lần hai đồng chí lên kiểm tra về báo cáo với cấp trên là hang Cốc Bó không việc gì.

Tôi trao trao đổi với Thiếu tướng Mai Ngọc Linh - Chính uỷ Binh chủng, sau đó gọi điện cho Đại tá Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng của Binh chủng Công binh vào trao đổi, giao nhiệm vụ. Đồng chí Sơn đưa ngay một tổ mang theo máy quay camera lên đo đạc khảo sát, quay phim toàn bộ khu vực Pắc Bó và trọng tâm là hang Cốc Bó, tôi lên sau. Khi khảo sát về, xem lại băng hình, chúng tôi cũng không phát hiện ra điều gì lạ trong hang, đều cho là hang vẫn như cũ.

z2714227815616-9c0db74fd4f3805bd6806ea2169c89cf-1630033835.jpg

Lễ khởi công tôn tạo hang Cốc Bó ngày 12 tháng 11 năm 2006.

Tôi điện cho Đại tá Nguyễn Huyên để báo cáo với Đại tướng là chúng tôi đã khảo sát xong. Hôm sau, chúng tôi nhận được điện lên báo cáo. Đại tướng dành ra cả một buổi sáng để nghe báo cáo, xem trên màn hình toàn cảnh khu vực Pắc Bó và chi tiết trong hang Cốc Bó. Cùng ngồi dự có Phu nhân Đại tướng, Đại tá Nguyễn Huyên, Thư ký của Đại tướng, anh Võ Hồng Nam con trai Đại tướng. Đại tướng chăm chú theo dõi màn hình, rồi nói : Khối đá to ở giữa hang kia là bị đánh sập từ nóc xuống, Đại tướng trầm ngâm suy nghĩ rồi gõ tay xuống mặt bàn nhắc đi nhắc lại ba lần: Tại sao họ lại đánh sập cái hang này?

Hang Cốc Bó bị quân địch dùng bộc phá đánh sập nóc hang trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Sau gần ba chục năm, nhiều người thăm quan sờ vào làm nhẵn mòn mặt mảng đá, nếu không có camera quay lại để Đại tướng xem chỉ ra thì cũng không ai biết là hang bị sập.

Đại tướng giảng giải cho chúng tôi: Ngày 28/01/1941, Bác Hồ sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, qua Trung Quốc trở về Việt Nam. Tôi đón Bác và Pắc Bó là địa điểm dừng chân đầu tiên. Hai Bác cháu nằm trong hang Cốc Bó này, tâm sự 7 đêm, Bác nằm trên chiếc phản gỗ còn tôi nằm trên cái chiếu trải dưới đất ngay bên cạnh. Chính hòn đá họ đánh sập đè lên chỗ Bác và tôi nằm.

Bác Hồ nói: Chú Văn ạ, người làm cách mạng trước hết là phải dĩ công vi thượng (có nghĩa là phải đặt lợi ích cách mạng lên trên hết). Đại tướng nhìn chúng tôi rồi chậm rãi nói tiếp: Suốt đời tôi không bao giờ quên lời căn dặn này. Cả đời tôi luôn cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vì nước, vì dân theo lời dặn của Bác. Đại tướng trầm ngâm nhớ lại: Chú Văn ạ, cách mạng Việt Nam là phải tiến hành vũ trang khởi nghĩa cướp chính quyền.

Cũng tại nơi đây từ ngày 10 - 19/5/1941, Hội nghị TW 8, do Bác chủ trì đã bàn về chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.

 Sau đó Bác quay trở lại Trung Quốc, bị Tưởng Giới Thạch bắt giam, năm 1944 được thả tự do, Bác về nước lại cũng nằm trong cái hang này. Hai Bác cháu tâm sự, Bác giao cho tôi thành lập lực lượng vũ trang nhân dân lấy tên là “Đội tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân”, đây là đội quân coi trọng tuyên truyền hơn tác chiến, coi trọng chính trị hơn quân sự. Sau này mới đổi tên là “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân”.

Đại tướng khảng định: ĐÂY LÀ DI TÍCH LỊCH SỬ SỐ 1, DI TÍCH LỊCH SỬ HÀNG ĐẦU CỦA NƯỚC TA. Không có cái hang này thì không có Cách mạng tháng 8,  không có Quốc khánh mồng 2 tháng 9, không có nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Cần phải khôi phục lại nguyên trạng hang này.

Tôi đã có ý kiến nhiều lần với Thủ tướng Chính phủ mà chưa ai làm. Bộ đội Công binh rất giỏi, các đồng chí đã làm rất nhiều công trình quan trọng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đặc biệt các đồng chí đã xây dựng hệ thống công trình bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ và Trung ương Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giao cho đồng chí Tư lệnh Công binh thực hiện, cố gắng làm cho nhanh khôi phục lại hang như hiện trạng ban đầu. Về kinh phí tôi sẽ viết thư gửi Thủ tướng Phan Văn Khải giải quyết.

Sau việc khôi phục hang Cốc Bó, Đại tướng nói thêm, đường Hồ Chí Minh đã được xác định từ Hà Nội vào đến Cà Mau đang chuẩn bị triển khai xây dựng, đồng chí Tư lệnh Công binh thấy thế nào? Tôi thưa : Bác đã vạch ra Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh chi viện sức người sức của cho chiến trường đánh Mỹ, con đường thống nhất non sông đã thành huyền thoại.  Nay chúng ta xây dựng Đường Hồ Chí Mình dọc suốt chiều dài đất nước là một chủ trương rất đúng đắn ạ. 

Đại tướng nói: Làm như thế là chưa đủ, mà phải từ Pắc Bó cho tới Cà Mau. Sau ba mươi năm đi tìm đường cứu nước, Bác về Pác Bó, từ đây mới vạch ra các chủ trương, đường lối  lãnh đạo cách mạng Việt Nam thành công.. Tôi sẽ viết thư cho Bộ chính trị và Thủ tướng về việc này. Chúng tôi ngồi nghe mở mang thêm tầm nhìn và nhận thức tư tưởng.Kết quả sau này đã điều chỉnh lại đường Hồ Chí Minh bắt đầu từ Pắc Bó tới Cà Mau như Đại tướng đã nêu. Hang Cốc Bó càng thêm ý nghĩa.

Nhiệm vụ khôi phục tôn tạo hang Cốc Bó được tổ chức khẩn trương.Công tác khảo sát thiết kế Bộ Tư lệnh Công binh giao cho Trung tâm tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng triển khai ngay, khó nhất là thiết kế trần hang giống như cũ mà không có tư liệu hình ảnh để tham khảo. Đại tá Nguyễn Thanh Sơn cùng Đại uý, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Quang lên Pắc Bó tìm được hai người dân đã nấu cơm cho Bác Hồ năm 1941, 1944 để tìm hiểu về trần hang. Anh em phải nghiên cứu, tìm hiểu thu thập qua đồng bào trong khu vực. May mắn, đã gặp được ông cụ Hoàng Văn Lục, người trực tiếp nấu cơm tại hang và bà cụ Nông Thị Khìn, kết hợp nấu cơm từ bản mang lên cho Bác Hồ, trong thời gian Bác ở đây. Hai cụ vẫn còn nhớ rất kỹ hình dáng của vòm hang khi xưa, mô tả cho hai  đồng chí ghi chép lại. Từ đó thiết kế theo phương pháp 3D, lắp lại tảng đá ngược lên trần hang hoàn thiện cơ bản kiến trúc. Sau đó tổ chức cuộc hội thảo tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, có các nhà khoa học về kiến trúc, lịch sử, văn hoá dự để tham gia ý kiến. Bản vẽ kiến trúc hang đã được thông qua, tiếp theo là thiết kế kỹ thuật, thi công. Đại tá, kỹ sư Nguyễn Thanh Sơn - Chủ nhiệm Đồ án và Đại úy, thạc sỹ Nguyễn Thanh Quang, trực tiếp thiết kế. Đại tá, Tiến sỹ Lê Đình Tân - Trưởng phòng Công trình quốc phòng và Đại tá, Đại tá, kỹ sư Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Công ty xây dựng Lũng Lô cùng một số cán bộ, kỹ sư của Binh chủng Công binh cùng tham gia lập phương án, thiết kế chi tiết. Tư lệnh Công binh Hoàng Kiền trực tiếp chỉ đạo, đi lên hang nhiều lần, làm việc với Lãnh đạo các cấp của địa phương và Sở VH - TT và DL tỉnh Cao Bằng, để cùng trao đổi thống nhất các vấn đề có liên quan. Nhưng do nguồn vốn của Nhà nước nên thủ tục đầu tư cũng kéo dài, mãi tháng 11.2006 mới khởi công được.

Bộ Tư lệnh Công binh đã họp bàn thống nhất giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn Công binh 229, Tư lệnh Hoàng Kiền và Chính uỷ Mai Ngọc Linh cùng lên họp giao nhiệm vụ cho đơn vị, sau đó Chỉ huy Lữ đoàn có công văn đề nghị Bộ Tư lệnh giao cho đơn vị khác do yêu cầu kỹ thuật cao, Lữ đoàn không có bộ đội có tay nghề kỹ thuật cao.

Bộ Tư lệnh Công binh giao nhiệm vụ cho Công ty xây dựng Lũng Lô/Binh chủng Công binh đảm nhiệm thi công. Không được đánh bộc phá, phải dùng máy khoan đá ép hơi chẻ nhỏ mảng đá sập, đưa ra ngoài. Dựng khung thép ghép chống lên rồi bơm vữa bê tông bù lại tảng đá đã sập, các trang thiết bị, lực lượng được chuẩn bị chu đáo.

Bộ Tư lệnh Công binh do Tư lệnh Hoàng Kiền chủ trì, phối hợp với Sở VH -TT và DL tỉnh Cao Bằng do anh Đàm Quang Gióng - PGĐ Sở phụ trách làm lễ khởi công vào ngày 12.11.2006. Đông đảo đại biểu các cơ quan của tỉnh, huyện, xã, bản và đồng bào trong khu vực đến dự. Bộ đội Công binh đã tích cực lao động suốt ngày đêm để sớm hoàn thành công trình theo sự chỉ đạo, mong đợi của Đại tướng và cũng là lòng mong đợi, tự hào của các cán bộ chiến sỹ trực tiếp làm nhiệm vụ và của Binh chủng Công binh Quân đội nhân dân Việt Nam. Một tình cảm đặc biệt thiêng liêng với Bác Hồ, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

z2714219127022-8f089b097274f4a3dc8176186399d15d-1630033835.jpg

Tư lệnh Công binh báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về kết quả tôn tạo hang Cốc Bó.

Còn lại phần việc phun nhũ đỉnh hang, do tầm quan trọng và ý nghĩa của công trình, nên Bộ Tư lệnh Công binh và Sở VH-TT và DL tỉnh Cao Bằng thống nhất chọn một Công ty mỹ thuật hàng đầu của nước ta thực hiện. Bộ Tư lệnh Công binh cử Đại tá Phan Đức Tuấn, Phó Tư lệnh đi làm việc với một Công ty Mỹ thuật của Trung ương. Cuộc đàm phán kéo dài, họ đòi giá quá cao so với dự toán. Cuối cùng, đồng chí Tuấn nói: Đây là công trình di tích hàng đầu của Quốc gia, đền thờ của cả nước, tiền chỉ có thế thôi. Các anh có làm không?... 

Mãi năm 2009, công trình mới được hoàn thành. Trung tướng Huỳnh Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Quốc hội lên thăm kiểm tra, phê bình Bộ Tư lệnh Công binh làm chậm! Bộ Tư lệnh Công binh nhận khuyết điểm là lập dự toán phần mỹ thuật thấp quá, so với yêu cầu của những nhà mỹ thuật.

Sau khi hoàn thành, Đại tá Nguyễn Thanh Sơn đã lên báo cáo (lúc Đại tướng gọi lên Tư lệnh Hoàng Kiền đi vắng) và chiếu hình ảnh trong hang sau khôi phục cho Đại tướng xem, Ông rất hài lòng khen bộ đội Công binh làm rất giỏi, hang giống như ban đầu. Bộ đội Công binh Việt Nam thật tự hào đã góp phần tôn tạo di tích lịch sử hàng đầu của Việt Nam.

Nhớ Đại tướng

Đêm 21.12. 2012, tôi điện cho anh Võ Hồng Nam là mai vào thăm Đại tướng, anh Nam hẹn 10 giờ đón ở Bệnh viện 108. Đêm hôm đó tôi thức trắng đêm viết bài thơ kính tặng Đại tướng với tên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp khá dài. Sáng hôm sau tôi mang bài thơ và điện cho Đại tá Nguyễn Thanh Sơn đúng 10 giờ có mặt tại Bệnh viện 108, nơi Đại tướng đang điều trị. Do quá nhiều đoàn vào thăm, Đại tướng mệt nên Bộ Quốc phòng chỉ đạo hôm nay 22.12 không cho khách vào thăm. Anh Nam điện về cho mẹ nói sự việc như vậy, bà Đặng Bích Hà bảo đưa các anh ấy về nhà chơi. Được Phu nhân Đại tướng cùng vợ chồng anh Võ Hồng Nam, tôi đã đọc bài thơ cho gia đình nghe. Hai lần Bà vỗ tay khi nghe câu: ‘‘Không trường không lớp chọn bầu chẳng sai’’ àv ‘‘  Năm châu bốn biển tìm về tới thăm’’.

Phu nhân Đại tướng nói với anh Nam, chú ấy sửa xong, con đem bài thơ vào viện đọc cho Ba nghe.

Nhân dịp gia đình nói chuyện về Đại tướng, tôi hỏi: khi Đại tướng được phân công là Phó Thủ tướng, trong đó có công việc phụ trách dân số và kế hoạch hoá gia đình, Đại tướng có nói gì không ạ! Bác Đặng Bích Hà Phu nhân Đại tướng nói: khi ti vi đưa tin, gia đình đã biết và đều nói sao Ba nhà mình lại nhận việc ấy. Khi Đại tướng về đến nhà, cả nhà đều hỏi sao Ba lại nhận việc ấy, Đại tướng không phân bua gì cả mà nói: Tổ chức giao cho việc gì mà làm tốt là vinh dự rồi, ông không nói thêm câu nào. Đó là một nhân cách lớn của một nhà văn hoá lớn.

Tôi chào Bác Hà ra về, anh Võ Hồng Nam dẫn sang thăm phòng tiếp khách của Đại tướng, thấy một pho tượng điêu khắc bằng gỗ đặt trên bàn, tôi đến xem. Anh Nam giới thiệu, đây là một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ mít do một cựu chiến binh người Ý Yên - Nam Định tự làm mang lên tặng Đại tướng. Bác ấy đến cổng, vệ binh không cho vào, thế là hai bên to tiếng. Đại tướng nghe thấy, hỏi rồi mời bác ấy vào. Bác tạc tác phẩm, Đại tướng phất cao lá quân kỳ quyết thắng đứng trên xác máy bay B52, xác máy bay đè lên xác xe tặng của Pháp do Mỹ viện trợ tại Điện Biên Phủ, rất ý nghĩa . Sau đó Đại tướng dặn: từ nay trở đi bất cứ ai đến đều mời vào, mệt mấy tôi cũng tiếp. Người ta từ miền Nam ra, miền núi xuống, đồng bằng lên, có quí mình người ta mới đến, không cho người ta vào thì người ta nghĩ thế nào? Nhân cách lớn, nhà văn hoá lớn từ việc rất nhỏ.

Tôi sửa ngay xong bài thơ lúc 12 giờ ngày 12 tháng 12 năm 2012, đến 13 giờ anh Nam vào đọc cho Đại tướng nghe, sau đó anh ấy điện cho tôi thông báo: Nghe xong Đại tướng cười giơ tay vẫy vẫy.

Có rất nhiều những lời ngợi ca Đại tướng của chúng ta, từ các Tướng lĩnh, các sử gia trên toàn thế giới. Với tôi, được Đại tướng giao nhiệm vụ khôi phục hang Cốc Bó và sự giảng giải của Đai tướng, tôi càng hiểu sâu sắc thêm về vị Đại tướng huyền thoại của chúng ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tôi luyện như thế nào. Đồng thời qua đây cũng thấy được tình cảm, sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn vô hạn của Đại tướng dành cho Bác Hồ vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của Dân tộc ta.