Có cứu được sông Hằng?

Là trung tâm cuộc sống của nhiều người Ấn Độ, sông Hằng bị ô nhiễm nặng nề. Một dự án kỳ vọng sẽ đưa con sông trở lại thời kỳ hoàng kim.
Song Hang o nhiem anh 1

Ngư dân Rambabu Sahani nhớ vào thời thơ ấu của anh, nước sông Hằng rất sạch và có thể uống được.

Người đàn ông 35 tuổi nói: "Sông Hằng từng sạch đến mức có thể nhìn thấy những đồng xu cúng dường dưới đáy. Nhưng giờ dưới đáy có quá nhiều bùn nên không thể thấy gì. Chúng tôi từng có thể uống nước sông, nhưng giờ nước không uống được nữa".

Trên thực tế, sông Hằng đã trở nên ô nhiễm đến mức những ngư dân như anh - ở thành phố Varanasi - "không được phép đánh cá". Ngay cả cá ở đây cũng tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe.

"Điều này không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng chất độc được tìm thấy trong các mẫu thử nghiệm. Việc ăn cá ở đây cần phải chấm dứt, do vậy giải pháp duy nhất là cấm đánh bắt cá" - B D Tripathi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mahamana Malaviya Ganga, cho biết.

Tuy nhiên, Sahani, chỉ biết làm công việc này. Anh vẫn đi đánh cá, nhưng thường gặp rắc rối với chính quyền. "Mọi chuyện thực sự khó khăn với chúng tôi", anh chia sẻ.

Con sông bị đe dọa

Sông Hằng không chỉ là con sông linh thiêng với người theo đạo Hindu, mà còn là một trong những nền tảng của văn minh Ấn Độ.

Nơi này bị đe dọa nặng nề bởi những nghi lễ mai táng hai bên bờ suốt nhiều năm, sự phát triển không hoạch định của công nghiệp và thành thị, cũng như nước thải và hóa chất.

Các báo cáo từ năm 2017 cho thấy, mỗi ngày có khoảng 4,8 tỷ lít nước thải từ 118 thị trấn và thành phố đổ xuống sông Hằng, chưa kể rác và rác hữu cơ. Tuy nhiên, công suất xử lý của các nhà máy xử lý nước thải chỉ là 1 tỷ lít.

Theo Đơn vị Kiểm soát Ô nhiễm Trung tâm Ấn Độ, mức ô nhiễm tại 80 điểm được theo dõi trên sông Hằng đã tăng lên từ năm 2013. Đến 2017, nước sông đã đến độ gây hại cho các sinh vật và những người sử dụng.

"Ô nhiễm nặng nền là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sự tích tụ độc tố. Qua cá, chúng có thể ảnh hưởng đến con người, gây ra nhiều loại bệnh như bại liệt, ung thư, bệnh da liễu..." - B D Joshi, giáo sư tại Đại học Gurukula Kangri, nhận định.

Một nhân tố đáng kể gây ô nhiễm là các xưởng thuộc da tại Kanpur, thành phố tại bang Uttar Pradesh, nơi vốn nổi tiếng với sản phẩm da thuộc. "Quá trình thuộc da tạo ra nước thải với nồng độ chromium cao" - công nhân thất nghiệp Amit Kumar chia sẻ.

Năm 2018, chính quyền Uttar Pradesh đã đóng cửa 260 xưởng để giữ sông sạch. Đến giờ, nhiều xưởng đã được phép hoạt động 50% công suất và đáp ứng các quy định về môi trường. Tuy nhiên, Kumar cho biết nhiều xưởng vẫn hoạt động lén lút vào ban đêm và thải nước bẩn ra sông.

Asad Iraqi, thư ký Liên đoàn Công nghiệp Da, cho biết vấn đề chủ yếu nằm ở các nhà máy xử lý nước thải. Ông nói: "Các xưởng thuộc da đưa nước thải cuối cùng đến nhà máy xử lý hoặc tự thực hiện xử lý tại xưởng của mình. Tất cả xưởng đang hoạt động đều đạt các điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, các nhà máy nước thải thông thường chưa được nâng cấp. Phần lớn nước thải dân dụng bị thải xuống sông mà không qua xử lý".

Giữa những tranh cãi, Kanpur trở thành "biểu tượng của sự ô nhiễm", theo ông Rajiv Ranjan Mishra - Giám đốc dự án Nhiệm vụ Làm sạch sông Hằng Quốc gia. "Kanpur là thành phố lớn nhất bang. Có khoảng 3,5 triệu người sống ở đó, nước ngày càng khan hiếm, tình trạng ô nhiễm công nghiệp và nước thải đều trở thành mối lo ngại lớn".

Song Hang o nhiem anh 4

Công nhân một xưởng da thuộc tại Kanpur xử lý da trâu. Ảnh: Reuters.

Mất kế sinh nhai

Sau khi các xưởng thuộc da bị đóng cửa, Kumar mất việc và phải trở về làm lao động chân tay, thậm chí nhịn đói để gia đình có cái ăn.

Xuôi theo dòng chảy, ở Varanasi, cuộc sống của Sahani cũng bị ảnh hưởng. "Tôi từng kiếm được khoảng 2.000 rupee mỗi ngày. Gần đây, thu nhập của tôi chỉ còn 200-300 rupee/ngày. Chúng tôi đi đánh cá, nhưng sông không có cá" - anh nói.

Để cứu dòng sông linh thiêng, nhiều tu sĩ cũng đã hành động. Swami Shivanand Saraswati, người sáng lập khu sống ẩn dật Matri Sadan tại Haridwar, cho biết ông sẵn sàng đánh đổi sinh mạng để làm điều này.

"Chúng tôi xa lánh thế giới, điều đó là chắc chắn. Nhưng xa lánh thế giới không có nghĩa là chúng tôi không thể thấy những nỗi đau khổ của nhân loại, của xã hội, của môi trường. Sống ẩn dật không có nghĩa là trở nên bị động" - tu sĩ 73 tuổi chia sẻ.

Nhiều tu sĩ đã tiến hành nhịn ăn để yêu cầu chính phủ hành động. Swami Shivanand liệt kê 4 yêu cầu của họ: "Trước hết, họ cần ngừng xây dựng 4 con đập. Tiếp đó, việc khai mỏ ở Hadridwar cần chấm dứt. Thứ ba, nên có một hội đồng sông Hằng để chăm sóc con sông, và cuối cùng là cần có Đạo luật sông Hằng".

Trước những chỉ trích và nghi ngờ, chính quyền khẳng định nhiệm vụ quốc gia "Làm sạch sông Hằng" vẫn đang diễn ra đúng tiến độ, đồng thời cam kết sẽ giữ dòng chảy của sông liền mạch. Tuy nhiên, họ cho biết cần thêm thời gian và bàn bạc.

Thủ tướng Modi đã khởi động chương trình Namami Gange một tháng sau khi nhậm chức năm 2014. Dự án trị giá 200 tỷ rupee này hướng đến xây dựng nhiều nhà máy xử lý nước thải, phát triển khu vực ven sông, làm sạch nước và tái tạo độ đang dạng sinh học của sông.

Sau nhiều năm, một số thay đổi có thể nhìn thấy được.

Trước năm 2014, hướng dẫn viên Vimal Kumar Pathak cảm thấy "xấu hổ" khi dẫn du khách tham quan sông và Varanasi bởi nơi này quá bẩn.

Người đàn ông 55 tuổi chia sẻ: "Lái tàu và tôi phải cùng hợp sức để chuyển hướng sự chú ý của du khách sang hướng khác, tránh khỏi cảnh tượng người dân đi vệ sinh bên bờ sông".

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ông nhận thấy bờ sông - trước đó đầy rác và chất thải của người - có vẻ đã sạch hơn. "Mọi người đã có ý thức hơn và ngăn những người khác đi vệ sinh ở bờ sông. Như vậy, chắc chắn sẽ có thêm du khách, cả trong và ngoài nước, đến với Benares, Varanasi" - ông nói.

Thu nhập của ông đã tăng lên, ngay cả trong đại dịch Covid-19. "Khi kết quả của việc làm sạch sông Hằng bắt đầu hiện ra, tôi nhận thấy du khách sẽ thay đổi thói quen. Thay vì chỉ ở lại một hay hai đêm, họ sẽ ở đến 4 đêm. Rõ ràng, việc sông Hằng và bờ sông trở nên sạch sẽ hơn là nhân tố quan trọng tạo ra điều này" - ông chia sẻ.

Song Hang o nhiem anh 7

Sông Hằng nhìn từ thuyền chở khách du lịch. Ảnh: Gettyimages.

Chính phủ cũng tự tin rằng dự án làm sạch con sông sẽ không bị dừng lại do đại dịch. Ông Mishra khẳng định: "Covid-19 là thách thức lớn trên toàn cầu. Nhưng tôi rất vui mừng khi được thông báo rằng không một ngày nào các nhà máy nước thải và dự án Namami Gange ngừng hoạt động. Về mặt tài chính, dự án được hoạch định theo cách để không bị gián đoạn".

Cần nhiều hơn một Modi

Sau khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái, việc phong tỏa toàn quốc tại Ấn Độ cũng khiến sông Hằng sạch hơn.

Ông Suresh Kumar Rohilla, giám đốc cấp cao của Trung tâm Khoa học và Môi trường tại New Delhi, nhận định: "Một số hoạt động nhất định không diễn ra, do đó nhu cầu dùng nước cũng thấp hơn. Nhờ đó, thêm nước chảy vào sông, giúp nồng độ ô nhiễm giảm xuống".

Tuy nhiên, là hệ thống chủ chốt ở Ấn Độ, sông Hằng chịu gánh nặng từ dân số tăng lên, cũng như từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh chóng. Ông Rohilla cho biết: "Ngay khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, công nghiệp hoạt động và các thành phố đổ nước thải xuống sông, chúng ta sẽ lại về mốc số 0".

Với vài người, như Kumar, những ngày tốt đẹp hơn vẫn chưa tới. Anh chia sẻ: "Tôi chỉ muốn chính phủ tìm ra một giải pháp, thay vì đóng cửa ngành công nghiệp thuộc da hay các nhà máy".

Thủ tướng Modi coi việc làm sạch sông Hằng là một nhiệm vụ chính của chính phủ, nhưng giáo sư Joshi nghĩ rằng dòng sông "đang chết". Ông nói: "Sông Hằng sẽ chỉ được làm sạch một phần. Chúng ta sẽ không bao giờ lấy lại được sự trong sạch của 50-60 năm về trước".

Song Hang o nhiem anh 8

Nước thải chưa qua xử lý xả thẳng xuống sông Hằng tại Kanpur. Ảnh: Reuters.

Ông Mishra nhấn mạnh việc tất cả phải chung tay: "Không một người đơn lẻ nào có thể cứu sông Hằng. Đây phải là nỗ lực của nhiều người. Tôi đã thấy sự thay đổi trong ba năm qua. Ta phải tin tưởng. "Chúng ta" chính là câu trả lời. Chỉ khi tất cả cùng góp sức thì điều này mới có thể thành thực, và nó hoàn toàn có thể".