Bốn cuộc cải cách và sự ì ạch của việc làm sách giáo khoa

Vào năm học mới (2021 - 2022), lớp 2 và lớp 6 phổ thông có sách giáo khoa mới. Các nhà khoa học giáo dục chưa dứt được câu chuyện về sách giào khoa lớp 1 thì lại diễn ra cuộc tranh cãi về sách Tiếng Việt có những nội dung phản cảm: Dạy cho học sinh ước mơ viển vông, tham lam, an phận, láu cá, định kiến về giới,…

Nền giáo dục ở bất cứ quốc gia nào cũng phải xây dựng chương trình tiên tiến và bộ sách giáo khoa chuẩn. Đó là phương tiện, công cụ hàng đầu cho việc dạy và học, có ảnh hưởng lớn đến con người, kinh tế - xã hội, đạo đức và hình thành hệ ý thức, tư tưởng chính thống của một quốc gia. Nước ta từ sau cách mạng tháng Tám (1945) đến nay đã trải qua 4 cuộc cải cách giáo dục, đi liền với nó là 4 lần thay đổi Chương trình - Sách giáo khoa (CT-SGK).

8-000-1-1616441516722-1631296555.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: nhandan.vn.

Lần thứ nhất, cả nước đang trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950, Chính phủ Cụ Hồ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 9 năm.

Lần thứ hai, từ năm 1956 ở miền Bắc tiến hành chương trình 10 năm, xác định “giáo dục phổ thông trở thành nền tảng văn hóa của đất nước, là sức mạnh tương lai của dân tộc”.

Lần thứ ba, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 11/01/1979 về cải cách giáo dục theo nguyên lí “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Sau khi thống nhất đất nước, miền Bắc vẫn thực hiện giáo dục phổ thông 10 năm, miền Nam tiếp tục duy trì hệ 12 năm. Nghị quyết số 14 nêu mục tiêu “làm tốt việc chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ ngay từ thuở ấu thơ”, đặt ra yêu cầu “Xây dựng chương trình, sách giáo khoa chuẩn” và thực hiện thống nhất trong cả nước giáo dục phổ thông hệ 12 năm. Cuộc cải cách giáo dục lần này, phải làm lại toàn bộ sách giáo khoa.

Lần thứ tư, ngày 9/12/2000, Quốc hội Khóa X ban hành Nghị quyết số 40/2000/QH10 về Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, thực hiện giáo dục bắt buộc. Tại hội nghị lần thứ 8, Khóa XI Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Năm 2014, Quốc hội Khóa XIII cũng ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” CT-SGK lại phải thay đổi.

Trong bốn thập kỉ ấy (1980 - 2020), Đảng, Quốc hội có 4 lần ra Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiều Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) càng có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện cải cách giáo dục. Đi liền với các cuộc cải cách ấy, trọng tâm là xây dựng CT-SGK tương ứng với từng cấp học.

Những năm kháng chiến chống Pháp, áp dụng một số chương trình, nội dung SGK của Pháp. Thầy giáo tự chọn nội dung, chọn bài giảng, vừa giảng dạy vừa soạn nội dung. Khi thực hiện chương trình 10 năm, rồi 12 năm, ngành giáo dục có tiếp thu nội dung ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến (Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nga), chủ yếu là các môn khoa học tự nhiên.

Sau hòa bình (1954), một nhóm giáo sư, trí thức biên soạn SGK phổ thông (hệ 10 năm) tiến hành chỉ trong một thời gian ngắn, kinh phí không đáng kể, áp dụng ổn định hệ phổ thông 10 năm (từ năm học 1956 - 1957) cho đến năm học 1980 - 1981. Chương trình đó đào tạo ra một thế hệ anh hùng, trí thức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Sau Nghị quyết số 14 của Bộ Chính trị và chủ trương của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), thống nhất hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm trong cả nước, cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 đầu tiên được áp dụng năm 1981, mở đầu cho SGK mới, cải tiến chữ viết. Sau đó, lần lượt biên soạn thay SGK cho đến lớp 12. Tuy nhiên, những năm 80 thế kỉ trước, do khủng hoảng kinh tế và ảnh hưởng của chiến tranh biên giới, việc cải cách giáo dục co lại với chủ trương thay đổi CT-SGK theo cách mỗi năm thay một lớp nên kéo dài từ năm 1981 đến năm 1992 mới xong. Năm 1993, Chính phủ vay của Ngân hàng Thế giới 78 triệu USD cho Dự án phát triển tiểu học, chủ yếu để làm SGK.

Vậy là, SGK vừa làm xong lại bỏ để làm theo CT-SGK mới!

Sau khi Quốc hội Khóa X ban hành Luật Giáo dục (1998), đồng thời ban hành Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9/12/2000 về “Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông” với mục tiêu: “Xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, sách giáo khoa mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với thực tiễn và truyền thống Việt Nam, tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông ở các nước phát triển trong khu vực và thế giới”. Thế là, một cuộc cách mạng “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học” lại diễn ra triền miên suốt 20 năm qua.

Thực hiện đường lối đó, Bộ GD&ĐT hình thành một chức năng “rất quan trọng” chủ yếu là tập trung mọi nỗ lực xây dựng đề án, lập nhiều dự án, quản lí dự án, trong đó có hơn 10 dự án lớn, tiêu tốn hàng tỉ USD. Chỉ riêng đầu tư cho thiết bị trường học (2002 - 2007) ngân sách chi hơn 14.000 tỉ đồng (đã xảy ra một số vụ án tham nhũng). Báo cáo của Bộ GD&ĐT trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9/2009: “Chính phủ đã sử dụng nguồn vốn ODA để hỗ trợ cho nguồn lực về tài chính cho việc đổi mới chương trình thông qua các chương trình, dự án”. Năm 2008 ngân sách chi 2.830 tỉ đồng để làm “Dự án đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy”, v.v…

Năm 2011, Bộ GD&ĐT (do đồng tác giả là Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển) trình Quốc hội một Dự án “khổng lồ” cần 70.000 tỉ đồng (3,4 tỉ USD) cho cải cách giáo dục. GS. Hồ Ngọc Đại nói công khai trong chương trình VTC 14 ngày 28/8/2018: “Đó là số tiền một con số 7 và 13 con số không”.

Tóm lại, thực hiện cải cách giáo dục từ năm học 1980 - 1981 đến nay, Bộ GD&ĐT liên tục thay đổi CT-SGK. Sách in năm nào học sinh chỉ được dùng năm ấy. Có loại SGK tiểu học phải viết trực tiếp vào là cách làm không nước nào trên thế giới làm cả! Sách tham khảo cũng độc quyền do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành gấp hàng chục lần SGK chính thức. Theo GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội), thì: “Hàng năm, lượng in ấn sách giáo khoa và sách tham khảo chiếm khoảng 85 % sản lượng in sách của quốc gia, 200 triệu bản cho khoảng 2.500 đầu sách. Ở bậc học phổ thông, học sinh lớp 1 có tới 80 cuốn sách, còn từ lớp 2 đến lớp 12 có từ 100 đến 500 cuốn sách. Nếu chồng các cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo của mỗi lớp thì chiều cao của chồng sách cao hơn chiều cao mỗi học sinh”.

Còn nhớ, năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Chỉ thị số 57/CT ngày 12/8/1981 do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu kí, chỉ đạo: “Từ năm học 1981 - 1982, ngành Giáo dục được thay đổi theo phương thức phân phối sách giáo khoa theo Quyết định số 41/TTg ngày 19/01/1976 của Thủ tướng Chính phủ, bằng cách tổ chức cho mượn, cho thuê và bán cho học sinh dùng riêng” là một chủ trương phù hợp thực tiễn, thực hành tiết kiệm. Tiếc rằng từ đó, Nhà xuất bản Giáo dục với cơ chế độc quyền ngày càng in nhiều sách giáo khoa, sách tham khảo, bắt buộc học sinh phải mua sách mới, sách cũ chỉ còn bán cho đồng nát. Điều này, tại cuộc họp Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa XIV thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân từng thốt lên:“Sách vở tôi học mấy năm sau em tôi vẫn dùng học lại được. Bây giờ mỗi năm một sách khác, tốn tiền nhân dân lắm…”

Về làm CT-SGK, trong khi Bộ GD&ĐT làm đề án cần hàng nghìn tỉ đồng từ ngân sách thì những năm đầu thế kỉ XXI, một nhóm Giáo sư, các nhà khoa học giáo dục tâm huyết đề xuất xin nhận làm SGK chuẩn, chỉ cần 100 tỉ đồng, trong 1 năm xong nhưng không được cơ quan chức năng chấp nhận. Các vị rủ nhau đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, v.v… xin ý kiến, trình bày phương án, mong được các bậc lão thành có tiếng nói tham gia thì đều được hoan nghênh, ủng hộ nhưng các vị cũng chỉ cho ý kiến: “Cái này còn phải do Chính phủ…”. Thế rồi, ý tưởng đó không được ai đoái hoài!…

Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 8 (Khóa XI) ban hành Nghị quyết số 29-NQ-TW ngày 4/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” với mục tiêu “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, v.v…”; Sau đó, Quốc hội Khóa XIII (2011 - 2016) cũng ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 “Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông” gồm 2 giai đoạn: (1) Giáo dục cơ bản tiểu học, trung học cơ sở và (2) Giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT).

Sau 7 năm triển khai hai Nghị quyết của Đảng và Quốc hội nêu trên, ngành GD&ĐT vẫn lúng túng, ôm đồm trong việc triển khai bám chặt vào các Dự án, Đề án, Chương trình, mặc dù đang “hối hả” biên soạn SGK mới với nguồn ngân sách hàng trăm tỉ đồng/năm để mãi đến năm học 2020 – 2021 (chậm 1 năm so với kế hoạch) lớp 1 trong toàn quốc có SGK mới, năm học 2021 - 2022 mới có SGK lớp 2 và lớp 6, các lớp sau sẽ làm tiếp theo kiểu cuốn chiếu.

Thực tế, sau khi SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 phát hành lại gây ra nhiều tranh cãi, nhất là về sách Tiếng Việt, môn Văn lớp 6 và cách cải tiến hình thức, thay đổi khổ sách và giá bán. Có ý kiến cho rằng, môn tiếng Việt có một số bài phản cảm, dạy cho học sinh tham lam, ích kỉ, bạo lực, an phận, láu cá, định kiến về giới, v.v… SGK hiện hành khổ 14cm x 24cm, SGK mới khổ 19 cm x 26,5 cm; SGK hiện hành in 2-4 màu, SGK mới in toàn bộ 4 màu; bộ SGK hiện hành lớp 2 có 6 cuốn giá 55.000 đồng, bộ SGK mới có 11 cuốn, giá 185.000 đồng; bộ SGK lớp 6 hiện hành giá 99.000 đồng, bộ SGK mới giá 245.000 đồng, chưa kể sách tiếng Anh (3 loại có giá: 52.000 đồng, 79.000 đồng và 89.000 đồng/cuốn). Trước đây, Bộ GD&ĐT có “Đề án quốc gia” (ngân sách chi hàng nghìn tỉ đồng) trong đó có danh mục làm sách Tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 (được phát không) nhưng những năm qua sách tiếng Anh học sinh đều phải mua giá cao. Điều này, Bộ GD&ĐT phải minh bạch giải trình. Nỗi khổ của con cháu học lớp 1, lớp 2 là phải cõng chiếc ba lô trĩu nặng bởi quá nhiều sách, nhiều đồ dùng học tập nay sách giáo khoa mới khổ to hơn, giấy dày, ba lô càng nặng hơn…

Tóm lại, từ khi triển khai cuộc cải cách Giáo dục lần thứ tư (bắt đầu năm 2000) sau 20 năm có nhiều quyết sách của Đảng, Nhà nước, cho đến năm 2018 Bộ GD&ĐT mới phê duyệt chương trình giáo dục phổ thông là quá chậm, mặt khác làm SGK rất ì ạch, cũng mới xong SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Trong khi đó, ngân sách hầu hết vay vốn ODA chi cho sự nghiệp này vô cùng lớn. SGK, sách tham khảo lâu nay do Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền, bắt buộc học sinh phải mua hàng năm mà đối với nông thôn “một bộ sách tiểu học là một tạ thóc” (SGK mới thì không phải 1 tạ thóc) mới càng thấy “tốn tiền của nhân dân lắm!...”

Rõ ràng, từ năm 1980 - 1981 đến nay sau 4 thập kỉ tiếp diễn các cuộc cải cách giáo dục, nhiều nhiệm kì Chính phủ, nhiều đời Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Việt Nam vẫn chưa có Chương trình giáo dục thật chuẩn, chưa xong SGK chuẩn. Vậy không biết đến năm nào mới hoàn thiện SGK chuẩn đến lớp 12 để nền giáo dục phổ thông ổn định lâu dài?